Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Vấn nạn bức cung nhục hình ở VN


Luật sư Ngô Ngọc Trai
Bài tham gia Diễn đàn BBC Tiếng Việt
Cập nhật: 10:57 GMT - chủ nhật, 27 tháng 7, 2014



Ông Nguyễn Thanh Chấn đã phải chịu oan ức trong nhiều năm

Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông này đã phải khai nhận một tội mà mình không hề phạm. Vậy ông Chấn có phải đã bị bức cung nhục hình hay không, và có câu hỏi là lấy đâu ra chứng cứ chứng minh hành vi bức cung nhục hình?


Quy định của luật
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có thể hình dung số lượng các vụ án có tình trạng bức cung nhục hình ở Việt Nam là vô cùng lớn. Số trường hợp bị nhục hình thì không dám chắc nhưng nạn bức cung có khả năng xảy ra ở 100% các vụ án.

Vấn nạn bức cung phổ biến lớn rộng như thế không phải do một vài sai phạm nghiệp vụ mà nó có nguyên nhân từ chính sự cho phép của luật. Điều này có vẻ vô lý, luật nào cho phép được bức cung? Nhưng sự thực đúng là như thế.
Bộ Luật Tố tụng Hình sự đã quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình, tức là chỉ chấp nhận những lời khai tự nguyện. Nếu bị cáo không tự nguyện khai báo thì thôi, không được sử dụng bất kỳ thủ pháp nghiệp vụ nào buộc người ta phải khai, vì luật cấm mọi hình thức truy bức.
Nhưng Bộ Luật Hình sự lại có điều luật xử phạt tù đối với hành vi từ chối khai báo, theo đó Điều 308 quy định về tội từ chối khai báo đã viết rằng: "Người nào từ chối khai báo hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể bị phạt tù từ ba tháng đến một năm".
Lý do chính đáng ở đây là gì? Để tự bảo vệ tính mệnh và tự do của mình có phải là một lý do chính đáng không? Trường hợp nào mà bị cáo chẳng có lý do chính đáng là tự bảo vệ mình? Như thế thì trường hợp nào bị cáo cũng phải có quyền từ chối khai báo chứ?
Tại sao bị cáo lại phải nói ra những điều mà nó chính là chứng cứ để người ta kết tội lại mình? Có ai là người tự nguyện trong việc này?
Dọa nạt bỏ tù người ta nếu không chịu tự nguyện khai báo, đó chẳng phải là một hình thức bức cung thì là gì?
Như thế, chính quy định của luật đã tạo ra tình trạng bức cung nhục hình. Quy định như thế đã tạo cho điều tra viên tính hợp pháp về mặt luật pháp để bức cung, và giải thoát cho họ mặc cảm tội lỗi về mặt đạo đức nếu có. Và đó là lý do vì sao vấn nạn bức cung phổ biến ở hầu như 100% các vụ án.


Vấn đề của năng lực


Bí cáo Dương Chí Dũng cũng từng tố cáo trước Tòa mình bị bức cung

Quy định của luật lệch lạc như thế không phải nhà làm luật không biết, mà họ có lý do để duy trì điểm mâu thuẫn vô lý đó.
Sự vô lý của luật thực ra là hệ quả phản ánh thực tế năng lực thực thi pháp luật của hệ thống tư pháp Việt Nam. Về mặt nghiệp vụ nếu không buộc được bị can khai báo thì điều tra viên không có đủ khả năng để xét đoán sự việc và điều tra nghi phạm.
Hoạt động điều tra là lần theo manh mối dấu vết tội phạm, mà muốn làm được điều này thì phải có khả năng xét đoán, ngoài ra cần có trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác điều tra.
Nhưng ở Việt Nam thì cả hai vấn đề này đều thiếu, điều tra viên thì kém năng lực, thế mạnh chủ yếu dựa vào việc áp chế người khác, thể hiện qua việc bắt bớ giam cầm, bức cung nhục hình buộc phải khai nhận. Về mặt trang thiết bị máy móc thì có lẽ cũng còn thiếu sự đầu tư nhất định.
Vì tình hình thực tế như vậy cho nên khi soạn luật người ta đã lần lựa đưa vào hay bỏ ra các quy định như thế nào để phù hợp với năng lực thực tế của cơ quan điều tra.
Tức là nhà làm luật đã không được tự do thoải mái đứng hẳn về phía các chế định pháp lý văn minh tiến bộ.
Hệ quả là có những quy định luật mang tính nửa vời, vừa tỏ ra tiến bộ, nhưng xét kỹ lại là lổng hổng.

Tại sao luật không quy định bị cáo được quyền giữ im lặng và chỉ đồng ý khai báo khi có sự tham gia của luật sư bào chữa, như vậy sẽ đảm bảo tiệt nọc tình trạng bức cung nhục hình? Mà lại chỉ quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình, trong khi cả hai lối quy định cũng chỉ nhằm một mục đích là đảm bảo những lời khai phải là tự nguyện?

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Người bị hàm oan đã chết, gia đình người bị oan quì lạy Tòa xin hai chữ “ công tâm”…

Hậu vụ án oan cách đây hơn 3 thập kỉ ở Gia Lai : Người bị hàm oan đã chết, gia đình người bị oan quì lạy Tòa xin hai chữ “ công tâm”…

(Pháp lý) – Hơn 30 năm trời ròng rã ngược xuôi đi kêu cứu khắp nơi,  từ địa phương đến các cơ quan tư pháp ở Trung ương, năm 2011, gia đình ông Phùng Văn Cung đã được Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng tổ chức xin lỗi công khai vì đã xử oan đối với ông Cung. Ông Cung giờ đã nằm dưới mồ sâu mang theo nỗi oan khuất.

Hình ảnh bà Oanh quì lạy cán bộ , xin xét xử bồi thường khách quan, công tâm.