Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

192 HOURS GIÀNH GIẬT SỰ SỐNG TỪ CHUYẾN BAY ĐỊNH MỆNH

Tác giả: Annette Herfkens
Dịch giả: An Điền
nguồn thanh niên online
Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 1: Tìm chồng trên đỉnh Ô Kha
                                                                                                                       13/08/2014 09:00
Vừa qua, Thanh Niên đã trích đăng cuốn 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh của tác giả Annette Herfkens, người duy nhất may mắn sống sót trên chuyến bay VN-474 của Vietnam Airlines bị rơi ở thung lũng Ô Kha (Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Gần 22 năm sau tai nạn, hôm nay, bà Herfkens trở về Ô Kha. Cũng chừng ấy năm, những ký ức tang tóc và kinh hoàng của những người VN có người thân trên 2 chuyến bay định mệnh rơi tại đây chỉ trong vòng 8 ngày vẫn đeo đuổi, lởn vởn. Địa danh Ô Kha, thung lũng chết với bao ký ức như hiện ra.


Bà Bích về lại Ô Kha trong năm 2012 - Ảnh: Trung Hiếu
Chưa bao giờ bà Trần Thị Bích nghĩ rằng ngày 14.11.1992 bà phải vĩnh biệt người chồng thân yêu của mình.
Tìm chồng mất tích, suýt chết cùng trực thăng Mi-8
Ông Huỳnh Kim Thuận - chồng bà Bích - vốn là thông dịch viên giỏi 3 thứ tiếng: Anh - Pháp - Trung. Ngày 14.11.1992, ông Thuận từ TP.HCM đáp máy bay đi Nha Trang để chuẩn bị cho việc xúc tiến một nhà đầu tư ở Pháp gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Khoảng 9 - 10 giờ sáng hôm ấy, bà Bích được người trợ lý của chồng thông báo qua điện thoại: “Có phải anh Thuận hôm nay đi Nha Trang không? Chị biết tin tức gì chưa? Chiếc máy bay đó mất tích rồi”. Lúc ấy, thông tin ban đầu là chiếc Yak 40 bị rơi ở biển khi bay gần tới Nha Trang. Dù bấn loạn nhưng bà vẫn le lói chút hy vọng mong manh về sự sống của chồng.
Ngày 22.11.1992, tức 8 ngày sau khi chuyến bay VN-474 gặp nạn, một trực thăng Mi-8 của quân đội được huy động từ Hà Nội chở theo lực lượng cứu nạn chuyến bay VN-474 lại tiếp tục gặp nạn gần vùng núi Ô Kha làm chết 7 người trên máy bay.
Một tuần sau, ngày 20.11.1992, Tổng công ty hàng không tổ chức xe đưa người thân của các nạn nhân đến Nha Trang. Tuy nhiên, do quá sốt ruột, bà Bích đã mua vé máy bay để ra Nha Trang trong sớm hôm đó. Tại đây, bà Bích hay tin sẽ có một chiếc trực thăng khởi hành lúc 10 giờ để bay vào Ô Kha, bà Bích chạy tới gặp một người trong sở chỉ huy tìm kiếm xin đi cùng. Ban đầu không ai đồng ý nhưng thấy bà quyết tâm nên cuối cùng cũng phải xiêu lòng.
“Họ bảo giờ thời tiết xấu chưa thể bay vào được. Chị cứ về nghỉ ngơi đi, khi nào bay chúng tôi sẽ gọi”, bà Bích nói. Đến quá trưa, giật mình tỉnh giấc, bà Bích chạy ra sân bay thì nghe tin chiếc trực thăng đã đi rồi. Bà Bích gặp người đã hứa cho bà bay cùng, chất vấn: “Sao các anh đã hứa cho tôi đi rồi lại nuốt lời?”. “May mà tôi không cho chị đi chứ nếu cho bây giờ không biết báo với cấp trên ra sao đây. Chiếc trực thăng bay vào Ô Kha cũng mất tích rồi chị à”, vị này rầu rĩ nói.
Chiếc sơ mi trắng, hiệu Tailor Thắng



Người địa phương dẫn bà Bích vào Ô Kha - Ảnh: T.L



Bà Bích tìm lại được chiếc áo sơ mi mà ông Thuận mặc vào ngày bị tai nạn - Ảnh: T.L
Nghe xong, mọi manh mối để vào Ô Kha dường như đóng lại đối với bà Bích. Tuy nhiên, lúc này một người quen giới thiệu cho bà một vị giám đốc có nhân viên tử nạn trên chuyến bay. Tìm đến nhà, vị giám đốc này dẫu không tin bà đủ sức leo tới đỉnh Ô Kha nhưng vẫn tận tình chỉ đường. “Từ Nha Trang đi xe đò vào Cam Ranh, rồi từ Cam Ranh đi lên Khánh Sơn, từ đây sẽ bắt xe ôm để tới xã Tô Hạp với đường đi dốc núi cheo leo, nơi có đỉnh núi Ô Kha cao hơn 1.500 m”, bà Bích nhớ lại. Thêm một thông tin dẫu sau này xác minh là thất thiệt nhưng lúc đó tiếp sức rất lớn để bà Bích tìm mọi cách vào Ô Kha. “Đó là có 16 người thoát nạn và đang tìm đường từ Ô Kha trở ra”, bà Bích kể. Lên tới xã Tô Hạp - nơi sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đóng ở chân núi Ô Kha, bà Bích gặp lãnh đạo sở chỉ huy bày tỏ nguyện vọng lên Ô Kha tìm chồng. Ban đầu mọi người không đồng tình nhưng thấy bà cương quyết cũng xuôi lòng để bà đi với điều kiện “không được tiết lộ đây là người thân của nạn nhân”.
Đúng 3 giờ sáng, đoàn khởi hành đi lên đỉnh Ô Kha. Ngoài dân quân và người địa phương còn có thêm 200 bộ đội đi theo để đưa thi thể xuống. Khoảng 8 giờ sáng, đoàn tìm kiếm tới nơi máy bay rơi. Tại đây cả một khoảng đồi xanh bao la bị cánh máy bay san bằng. Thân máy bay bị “búng” sang một ngọn đồi khác cách đó chừng 800 m. Sang tới nơi, bà Bích trông thấy hàng chục thi thể nằm la liệt. Do để ngoài trời lâu nên các thi thể bắt đầu thối rữa, nặng mùi.
Do thi thể đã được bọc vải và ni lông nên bà Bích không thể phát hiện đâu là thi thể chồng. Lúc này, bà Bích thắp một nén hương, cắm xuống đất và khấn: “Cho tới giờ phút này chưa có dấu hiệu nào cho thấy anh đã chết. Nếu thực sự anh đã chết anh phải cho em biết, còn không em sẽ không sống nổi”. Bà Bích kể khi bà vừa khấn xong, giống như ai dùng tay hất mặt bà quay sang một bên. Bỗng nhiên bà trông thấy bọc kính mà chồng bà hay mang như ai tung lên trời. Rồi bà thấy một đường mòn dẫn tới một cái vực. Nhìn xuống vực, có một đống quần áo, trong đó lòi ra chiếc áo sơ mi trắng sọc xanh dương mà chồng bà mặc ngày đi Nha Trang. “Lúc đó thường đàn ông mặc áo sơ mi trắng nhưng nếu trên cổ áo ghi tên hiệu Tailor Thắng, số 57 Lê Thánh Tôn thì chắc chắn là áo của chồng tôi. Ảnh chỉ có mặc quần áo mà tiệm này may”, bà Bích nói.
Sự thật đau đớn chợt vỡ ra, khi bà Bích kéo chiếc áo lên, dòng chữ Tailor Thắng, số 57 Lê Thánh Tôn trên cổ áo dần hiện ra. Lúc này bà mới tin rằng chồng mình đã mất.
Cơ duyên
Bà Bích kể năm 2012, khi thấy bà Annette Herfkens trên các kênh nước ngoài, bà đã lên Facebook để liên lạc với bà Annette nhưng không được hồi âm. Sau khi đi Ô Kha lần thứ 2 về, bà Bích liên lạc với bà Annette và kể câu chuyện mất chồng của mình cho Annette nghe. Từ đó, hai người thường xuyên trao đổi với nhau qua email và điện thoại. Năm 2013, nhân dịp ra nước ngoài, bà Bích đã tới nhà bà Annette ở New York.

Chuyến bay kinh hoàng
Ngày 14.11.1992, chiếc máy bay Yak 40 mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines chở 33 người rời TP.HCM bay tới Nha Trang. Hai hành khách Annette Herfkens (người Hà Lan) và chồng sắp cưới Willem van der Pas không ngờ khoảnh khắc định mệnh sau đó sẽ chia cắt họ vĩnh viễn.




Tác giả Annette Herfkens, người sống sót duy nhất sau chuyến bay
định mệnh - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyến bay rơi xuống núi Ô Kha, tỉnh Khánh Hòa. Willem van der Pas cùng các hành khách và phi hành đoàn tử nạn. Chỉ duy nhất Annette Herfkens sống sót. Trong cuốn sách của mình, Annette đã mô tả chân thực và sống động cách thức để sinh tồn trong hơn 8 ngày (192 giờ) đơn độc giữa khu rừng hoang. Thanh Niên trích đăng một phần quyển sách.
- Dậy thôi, em yêu! Năm giờ sáng rồi, phải đi thôi! Nửa tiếng nữa là tài xế của anh sẽ đến đón.
Năm giờ sáng? Tài xế? Tài xế nào? Pasje đang nói gì vậy nhỉ? À, thì ra là cái gã tài xế cứ tò tò theo Pasje như thanh tra!
Tôi thức dậy, quờ quạng và loạng choạng, quan sát xung quanh, và nhìn thấy Pasje đứng ở cuối giường. Đây là lần đầu tôi đến VN để thăm Pasje - cách tôi gọi Willem, bạn trai mình từ 13 năm nay. Pasje đến VN cách đây 6 tháng để thành lập hai chi nhánh Ngân hàng ING. Ông Hùng (1), tài xế, đón tôi tại sân bay Tân Sơn Nhất tối qua và chở chúng tôi đến khách sạn.
Pasje đưa tôi tách cà phê với nụ cười ái ngại. Anh biết tỏng là tôi ghét dậy sớm như thế nào. Đó là chưa kể chuyện bị lệch múi giờ. Năm giờ sáng? Nghĩ sao vậy chứ?
Khi chúng tôi đến sảnh khách sạn, ông Hùng đã có mặt ở đó, đúng giờ và kiên nhẫn. Pasje vỗ vai ông Hùng thân mật. Thật lạ khi thấy Pasje rất thoải mái trong một môi trường hoàn toàn xa lạ với tôi. Trông Pasje cứ như đang ở nhà, và chuyện tôi có mặt ở VN hình như không liên quan gì đến sự thoải mái của anh. Nó làm tôi cảm thấy lạc lõng. Tôi đang ghen chăng?
Cuối cùng thì chúng tôi cũng lên đường, từ một sân bay kiểu thập niên 1960. Khi chúng tôi dừng trước cửa máy bay, tim tôi như ngừng đập. Không thể tin được là nó lại nhỏ như vậy.
- Em không vào đâu! Tôi kêu lên với Pasje, thảng thốt. Không thể nào em vào được. Anh biết mà!
Trái lại, Pasje rõ ràng là đã tiên liệu được phản ứng của tôi:
- Anh biết rồi. Nhưng anh biết là em làm được mà. Đây là cách duy nhất để đi tới đó.
- Anh nói vậy là sao, cách duy nhất à? Tại sao không đi xe?
- Rừng còn dày đặc và đường sá thì xấu lắm. Đi tới đó phải mất vài ngày. Đi bằng xe thì lúc đến được đó mình phải quay về ngay. Nghe anh đi mà!
“Thôi để em cố”, tôi trả lời. Buộc mình leo từng bước lên cửa sau máy bay, tôi bước vào. Suýt chút nữa là đầu tôi đã đụng trần máy bay. Tôi quay đầu lại ngay lập tức. “Cho em ra khỏi đây”, tôi nói như van nài với Pasje. Anh bước tới chặn tôi lại. Tôi thực sự hoảng sợ và đấm thùi thụi vào ngực Pasje bằng cả hai tay. “Anh nghe em, em không đi được đâu!”, tôi nói. Pasje siết chặt tay tôi và buộc tôi nhìn thẳng vào mắt anh: “Em làm được, anh biết em làm được. Chỉ cần một chút thôi, 20 phút thôi. Cho anh, cho cả chúng ta”.
Sợ chết khiếp nhưng tôi buộc mình phải quay trở lại máy bay. Không ngờ nó lại nhỏ như vậy. Tim đập thình thịch như muốn văng ra khỏi ngực, tôi rón rén theo Pasje đến ngồi ở hàng ghế thứ 3. Có 15 hàng cả thảy. Tôi ngồi cạnh lối đi. Trong máy bay chật đến nỗi nếu muốn, tôi có thể chạm vào hành khách cũng ngồi dọc lối đi bên cạnh. Tôi có thể đụng trần máy bay mà không cần duỗi thẳng tay. Đầu gối tôi thì đã chạm vào hàng ghế màu xanh phía trước. Pasje thắt dây an toàn, giống như cách ngồi trên xe hơi. Tôi không thèm làm. Ngột ngạt nhiêu đó đủ rồi. Cuối cùng thì máy bay cũng chuẩn bị cất cánh.
Thời gian cứ rờn rợn trôi qua. 20 phút rồi, chưa có dấu hiệu gì cho thấy máy bay sắp hạ cánh.
- Sao chưa hạ cánh? - tôi hỏi cô tiếp viên.
- Bởi vì thời gian bay là 55 phút, thưa cô. Cô tiếp viên trả lời với nụ cười thường trực. Tôi quay sang Pasje, anh đang cố tình lảng tránh ánh nhìn của tôi.
- Anh biết đó là cách duy nhất để em chịu lên máy bay. Pasje nói, giọng thành khẩn và hối lỗi.
Tôi muốn đứng bật dậy nhưng nhận ra làm vậy chỉ tổ bị đụng đầu. Không còn chỗ nào để mà đi, ngoài cái toilet thậm chí còn bé hơn chỗ ngồi này. Tôi nhìn đồng hồ. Tim lại đập thình thịch tới tận mang tai. Pasje xoa cánh tay tôi, nhưng tôi gạt phắt ra.
- Sao anh làm vậy với em? Tôi nói qua kẽ răng. Anh gạt em!
Nói xong tôi chỉ còn biết tập trung vào chiếc đồng hồ. Và tiếng động cơ gầm gừ.
49 phút rồi. Còn 6 phút nữa. Tôi nhìn đồng hồ liên tục. Bỗng thình lình có sự chấn động mạnh và chúng tôi như bị hút xuống. Hút xuống rất nhanh. Giờ thì Pasje đã chịu nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Anh không thích như thế này chút nào. Pasje nói đầy căng thẳng.
- Dĩ nhiên rồi, cái thứ đồ chơi nhỏ xíu như thế này thì khi rơi phải như vậy chứ. Tôi trả lời. Rồi tôi nhẹ nhàng trấn an, khi nhìn thấy ánh sợ rất rõ trong mắt Pasje.
- Chỉ là do đi vào vùng nhiễu động thôi, anh đừng lo!
Máy bay lại va chạm mạnh vào một cái gì đó thêm lần nữa và rơi nhanh hơn. Nhiều người hét lên. Pasje bấu lấy tay tôi. Tôi cũng nắm chặt tay anh.
Bóng đen bao trùm.