Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

'Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này'


 - 40 ngàn tỷ đồng để cải cách tiền lương theo đúng lộ trình không tìm đâu ra được. Muốn có nguồn tăng lương cho cán bộ cần làm 2 việc: Tinh giản biên chế và tiết kiệm chi tiêu.
Không tìm ra 40 ngàn tỷ cải cách lương
Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách tại QH ngày 21/10, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) nói: “Cân đối ngân sách cho 2015 là cực kì khó khăn. Năm nay và năm tới không cân đối được nguồn để cải cách tiền lương theo lộ trình, 40 ngàn tỉ không lấy đâu ra được”.
cải cách lương, biên chế, công chức
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm
ĐB Nguyễn Văn Minh cho rằng việc tăng lương bị trì hoãn là vấn đề lặp lại nhiều, cần xem xét lại, cần thiết phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức.
Muốn làm được như vậy, ông Minh đề nghị phải tiết kiệm chi tiêu: “Nhiều công trình mất hàng ngàn tỷ để xây dựng nhưng xây xong không sử dụng hoặc công trình không cần thiết, rất lãng phí”.
Tiết kiệm chi tiêu còn phải đi kèm với tinh giản biên chế. Hiện nay đội ngũ hưởng lương rất lớn nhưng người làm việc chuyên môn ít, bộ máy tổ chức cồng kềnh. Bộ Nội vụ từng triển khai việc tự đánh giá công việc của cán bộ, công chức nhưng làm xong thì không có đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều xin tăng!
cải cách lương, biên chế, công chức 
ĐB Trần Du Lịch
Còn ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh “nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này. Nếu không giải quyết được vấn đề này, không thể nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân”.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương đánh giá con số 1/3 cán bộ công chức “cắp ô” đã được chỉ ra nhưng có giảm được ai đâu? Theo ông, cần giảm hẳn biên chế và phải quy về từng cơ quan.

“1/3 công chức 'cắp ô' với cơ quan hành chính là đúng đấy, tôi làm nhiều cơ quan rồi, tôi thấy thừa sức giảm 1/3 số này - số chỉ 'ăn theo nói leo' không giải quyết được gì, lãnh đạo cũng chỉ chỉ tay 5 ngón không làm được việc gì, tuyển nhiều nguy hiểm quá” - ông Đương nói.
Lương công chức ra trường phải 10 triệu đồng/tháng?
Theo ông Trần Du Lịch, chỉ tăng lương thêm 100.000 đồng thì không giải quyết được gì, không chống được tham nhũng, không tuyển được người giỏi và thu hút được đội ngũ tinh hoa vào bộ máy nhà nước.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng tình cho rằng cần nâng mức lương cơ bản. Lương tối thiểu công chức mới ra trường phải là 10 triệu đồng thì mới có thể lập gia đình, mua nhà cửa ... Muốn làm được việc này cần tính toán lại bộ máy chính quyền, phân cấp chức năng nhiệm vụ mỗi cấp.

“Tại sao nhiều người bỏ ra vài trăm triệu để “chạy” vào công chức, dù lương thấp như thế?” - bà Tâm đặt câu hỏi.

Theo bà Tâm, nguyên nhân là vì môi trường làm việc hiện nay thả nổi, dễ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.
Vì thế, việc tăng lương phải đi kèm với giám sát chặt chẽ, khi cán bộ sợ mất việc sẽ không có tiêu cực. Công chức không tích cực khiến người dân mất niềm tin.

'Cỗ xe nợ công đang quá tải'
 cải cách lương, biên chế, công chức
ĐB Trần Hoàng Ngân
ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết nợ công đang ở mức rất là cao, dù nằm dưới mức pháp định là 65% GDP nhưng ông không cho rằng đó là mức an toàn.

Lý do là vì nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách hàng năm ngày càng tăng, số đảo nợ ngày một lớn, con số nợ công hiện nay vẫn chưa được tính toán đầy đủ do chưa đưa một số khoản khác vào.

Theo lý giải của ĐB Trần Hoàng Ngân, nợ công tăng nhanh và đã đạt xấp xỉ mức trần nợ công Quốc hội cho phép là 65% GDP là do trái phiếu (hiện đang để ngoài ngân sách) và bội chi. Bội chi đầu nhiệm kỳ đề ra mục tiêu về dưới 4,5% vào 2015. Năm 2011, bội chi 4,4%, nhưng đến 2012 bội chi là 5,4%, năm 2013 là 5,5%, năm 2014 là 5,3% và dự kiến 2015 là 5%.
 

Cẩm Quyên - Phạm Hải

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Thủ tướng VN 'ủng hộ bỏ con dấu doanh nghiệp'


  • 10 tháng 10 2014
Hội thảo "Con dấu của doanh nghiệp tại Việt Nam - Sự cải tổ cần thiết" do Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương tổ chức đã đặt vấn đề về việc liệu có nên bãi bỏ thủ tục bắt buộc theo đó các doanh nghiệp buộc phải dùng con dấu trong các giao dịch, hoạt động hay không.
Được biết cuộc hội thảo là một phần trong công tác chuẩn bị cho việc ban hành Luật Doanh nghiệp mới.
"Rất may là Thủ tướng Chính phủ đã ủng hộ phương án có thể bãi bỏ con dấu," kinh tế gia Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nói với BBC Tiếng Việt khi bình luận về buổi hội thảo vừa diễn ra hôm 9/10.
Báo Đầu tư dẫn nội dung Thông báo 370 nói Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an xem xét sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng nới lỏng quản lý, tiến tới bãi bỏ sử dụng con dấu.


Tuy nhiên, dự thảo Luật Doanh nghiệp sau đó tuy có điều chỉnh nhưng vẫn giữ nguyên quy định các doanh nghiệp cần có con dấu, với lý do vì "tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật" của Việt Nam.
Trang điện tử của Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng dẫn nội dung báo cáo giám sát về Luật Doanh nghiệp gần đây cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng muốn giữ nguyên con dấu.
Thủ tướng ủng hộ việc bãi bỏ bởi “văn bản tổng thống, thủ tướng các nước gửi cho tôi cũng không có dấu”, bản điện tử Báo Tuổi trẻ nói.
Từ phía doanh nghiệp, việc sử dụng con dấu được cho là điều gây phiền toái nhiều hơn là bảo đảm an toàn, từ chuyện gây tê liệt hoạt động doanh nghiệp khi có mâu thuẫn nội bộ cho tới chuyện bị lợi dụng, làm giả để lừa đảo.
Khảo sát nhanh của một số cơ quan, tổ chức cho thấy đa số các doanh nghiệp muốn bỏ việc sử dụng con dấu, với tỷ lệ đồng ý là 52% trong khảo sát của Báo Đầu tư hay của Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI).
nguồn bbc