(Pháp lý) – Nhắc đến tờ báo Người cao tuổi (NCT) phải kể đến dấu ấn của Tổng Biên tập (TBT) Kim Quốc Hoa. Ông là người đã tạo cho báo “sức lửa” khi đối diện và phanh phui “quốc nạn” tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Sau mỗi năm bền bỉ, quả cảm, tờ báo này lại “thắng” trong vài vụ tiếng tăm… Mới đây nhất, Người cao tuổi là tờ báo tiên phong phản ánh về sai phạm nhà đất và công tác bổ nhiệm cán bộ của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Phía sau những tin vui chống tham nhũng của báo chí nói chung, NCT nói riêng, ông Kim Quốc Hoa chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Pháp lý những trăn trở, nhiệt huyết, lo âu của mình với công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) của toàn Đảng, toàn dân…
Đôi khi đơn độc nhưng không cô độc
Phóng viên: Có thể nói, NCT là tờ báo tiên phong chống tham nhũng tiêu cực trên rất nhiều lĩnh vực. Xuất phát từ lí do gì mà ông chọn con đường “gian truân” như vậy cho tờ báo của mình?
TBT Kim Quốc Hoa: Có nhiều người khi nhắc đến báo NCT thì nghĩ báo chống tiêu cực là chính nhưng không phải… Bạn hãy lật những trang của báo NCT sẽ thấy nhiều trang phản ánh rất nhiều về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, tuyên truyền các mô hình điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến mảng đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, phòng chống tham nhũng nên cũng tạo được một tiếng vang lớn. Ngay từ những năm đầu tôi về làm TBT, việc chống tham nhũng, chống tiêu cực luôn luôn được duy trì mặc dù chúng tôi gặp nhiều sức ép. Chúng tôi luôn xác định đó là nghĩa vụ công dân, trách nhiệm người cầm bút, trách nhiệm của tờ báo là tiếng nói của tầng lớp “cây cao bóng cả”, với công cuộc PCTN của nhà nước. Vậy nên mảng đấu tranh chống tham nhũng vẫn xuất hiện một cách thường xuyên, đều đặn trên báo.
Tổng Biên tập Báo Người Cao Tuổi – Kim Quốc Hoa
Báo NCT hơn 7 năm qua đã phanh phui, điều tra xác minh làm rõ khoảng 2.500 vụ việc từ cấp xã, phường đến Trung ương. Trong số này có nhiều vụ điển hình, hầu như năm nào cũng xuất hiện 1-2 vụ điển hình gây được tiếng vang lớn, tạo dư chấn trong đời sống xã hội.
Phóng viên: Hiện tượng tham nhũng đang rất phổ biến và ngày càng phức tạp. Xin ông chia sẻ về những hiện tượng tham nhũng biến tướng tinh vi là mối quan tâm của báo NCT?
TBT Kim Quốc Hoa: Báo NCT không đấu tranh chống tiêu cực tràn lan, dễ dãi, tùy tiện. Tiêu chí, quan điểm của bài báo là bảo vệ cho những đối tượng yếu thế, oan ức, thiệt thòi như nông dân bị thu hồi đất trái pháp luật, bồi thường không đúng quy định, công dân bị tòa án xét xử oan sai, cán bộ công nhân viên bị trù dập. Tiếp đến là đấu tranh với hiện tượng tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước. Năm 2008 chúng tôi chọn Công ty Xây dựng Bến Tre để đấu tranh. Đây là một công ty 100% vốn nhà nước nhưng bộ máy lãnh đạo yếu kém có dấu hiệu tham ô khiến công ty làm ăn lụi bại, họ phải bán hết tài sản cho ngân hàng vì vay nợ quá nhiều. 236 cán bộ, công nhân trắng tay, mấy năm không có công ăn việc làm, không có lương.
Chúng tôi đấu tranh cho người dân mất đất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hay tại Đồng Nai v.v… ở đó một số dự án chính quyền ra quyết định thu hồi mà không có bồi thường cho người dân đúng luật. Chúng tôi cũng “chiến đấu” với một số ông Chủ tịch ở tỉnh miền núi. Họ sống, làm việc xa Trung ương cho nên hành động, quyết định, đối xử với nhân dân, với doanh nghiệp không thỏa đáng. Trong số Chủ tịch tỉnh như vậy, chúng tôi chọn Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, khi ấy là ông Nguyễn Trường Tô. Đã có lúc chúng tôi bị ông Tô dọa nạt nhưng chúng tôi vẫn đấu tranh đến cùng. Sau đó Trung ương đã cách chức Chủ tịch và khai trừ ông Tô ra khỏi Đảng.
Chúng tôi cũng đấu tranh với một số người tham vọng về chính trị nhưng lại gian lận trong kê khai hồ sơ để ứng cử vào đại biểu Quốc hội. Chúng tôi điều tra suốt mấy chục kì báo, cuối cùng kết quả là đại biểu Quốc hội khóa XIII, bà Đặng Thị Hoàng Yến bị miễn nhiệm vào ngày 26/5/2012.
Chúng tôi cũng đấu tranh vì quyền lợi của đông đảo sinh viên một số trường Đại học. Cụ thể, khi nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo của cán bộ, sinh viên các trường điển hình tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Chúng tôi đã đấu tranh với ông hiệu trưởng trường này. Mặc dù hoạt động của nhà trường được kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành nhiều lần kiểm tra nhưng kết luận “sạch sẽ”. Thế nhưng khi báo NCT vào cuộc thì phát hiện ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong xây dựng cơ bản; trong đào tạo, trong công tác cán bộ và thu sai, thu vượt tiền của sinh viên lên đến mấy chục tỉ mỗi năm…
Có thể nói trong mỗi một lĩnh vực chúng tôi chọn một điển hình tiêu cực để đấu tranh, có nhiều vụ việc chúng tôi phải chiến đấu một mình, đơn độc, không có cơ quan truyền thông, báo chí nào phối hợp tham gia. Đôi khi chúng tôi thấy mình đơn độc, tuy nhiên đơn độc mà không cô độc, bởi đằng sau chúng tôi có nhân dân, những cán bộ lão thành, đông đảo độc giả yêu quý và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở báo trung kiên.
Nao núng, nhụt chí thì không, nhưng cảnh giác thì có
Phóng viên: Trong các lĩnh vực ấy, theo ông lĩnh vực nào đấu tranh chống tiêu cực là khó nhất?
TBT Kim Quốc Hoa: Nếu xếp về lĩnh vực, thì tôi thấy đấu tranh với tiêu cực trong quân đội và công an là khó. Tuy khó nhưng chúng tôi vẫn có cách chống và thành công. Bằng sự đấu tranh của báo NCT, một số cán bộ, chiến sĩ là “con sâu, con mọt” trong hai ngành này đã bị phanh phui.
Nhận được nhiều phong thư nói xấu, đe dọa, “khủng bố” nhưng ông Hoa không hề nao núng trong hành trình chống tham nhũng tiêu cực
Ngoài ra tôi cho rằng, báo chí “đụng vào” quan chức cấp cao cũng là lĩnh vực cực kì khó. Một số cán bộ cấp cao có những việc làm sai trái được chúng tôi phanh phui như các ông Nguyễn Trường Tô, Trần Văn Truyền, Ngô Văn Khánh, Hà Văn Toại, Huỳnh Đức Hòa, Trần Văn Vệ, Lê Sĩ Bảy, Nguyễn Yên Sơn… Họ có quyền lực lớn, khi đấu tranh với họ chúng tôi phải chịu áp lực từ nhiều phía.
Phóng viên: Ông nói khi đấu tranh với những vị “quan to” đã bị dọa nạt, bị xúc phạm … Và vì họ là “quan to” nên họ dễ dàng dùng quyền lực để chống lại. Vậy trong quá trình đấu tranh với những người vừa có quyền vừa có chức như thế ông rút ra đặc điểm chung gì ở họ?
TBT Kim Quốc Hoa: Thứ nhất, với tôi thì họ không phản ứng một cách trực tiếp. Nhưng có một số trường hợp, họ có gọi điện cho cấp trên tức chủ quản của tôi để giãi bày, thanh minh, cầu cạnh. Một số người thông qua môi giới đến gặp tôi, mong tôi chia sẻ, yêu cầu dừng. Có một số người khác họ sử dụng mạng lưới cộng sự để tìm kẽ hở của báo NCT…
Phóng viên: Nó có khiến ông phải cảnh giác, nao núng không?
TBT Kim Quốc Hoa: Nao núng thì không, cảnh giác thì có. Trong 7 năm qua tôi phải 3 lần di chuyển nhà ở. Ngoài nhu cầu của gia đình thì còn mục đích tìm nơi ở bảo đảm an toàn nhất.