Đăng vào ngày 29th, Tháng Mười Hai, 2014
(Pháp lý) – Nhắc đến tờ báo Người cao tuổi (NCT) phải kể đến dấu ấn của Tổng Biên tập (TBT) Kim Quốc Hoa. Ông là người đã tạo cho báo “sức lửa” khi đối diện và phanh phui “quốc nạn” tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Sau mỗi năm bền bỉ, quả cảm, tờ báo này lại “thắng” trong vài vụ tiếng tăm… Mới đây nhất, Người cao tuổi là tờ báo tiên phong phản ánh về sai phạm nhà đất và công tác bổ nhiệm cán bộ của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Phía sau những tin vui chống tham nhũng của báo chí nói chung, NCT nói riêng, ông Kim Quốc Hoa chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Pháp lý những trăn trở, nhiệt huyết, lo âu của mình với công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) của toàn Đảng, toàn dân…
Đôi khi đơn độc nhưng không cô độc
Phóng viên: Có thể nói, NCT là tờ báo tiên phong chống tham nhũng tiêu cực trên rất nhiều lĩnh vực. Xuất phát từ lí do gì mà ông chọn con đường “gian truân” như vậy cho tờ báo của mình?
TBT Kim Quốc Hoa: Có nhiều người khi nhắc đến báo NCT thì nghĩ báo chống tiêu cực là chính nhưng không phải… Bạn hãy lật những trang của báo NCT sẽ thấy nhiều trang phản ánh rất nhiều về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, tuyên truyền các mô hình điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến mảng đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, phòng chống tham nhũng nên cũng tạo được một tiếng vang lớn. Ngay từ những năm đầu tôi về làm TBT, việc chống tham nhũng, chống tiêu cực luôn luôn được duy trì mặc dù chúng tôi gặp nhiều sức ép. Chúng tôi luôn xác định đó là nghĩa vụ công dân, trách nhiệm người cầm bút, trách nhiệm của tờ báo là tiếng nói của tầng lớp “cây cao bóng cả”, với công cuộc PCTN của nhà nước. Vậy nên mảng đấu tranh chống tham nhũng vẫn xuất hiện một cách thường xuyên, đều đặn trên báo.
Báo NCT hơn 7 năm qua đã phanh phui, điều tra xác minh làm rõ khoảng 2.500 vụ việc từ cấp xã, phường đến Trung ương. Trong số này có nhiều vụ điển hình, hầu như năm nào cũng xuất hiện 1-2 vụ điển hình gây được tiếng vang lớn, tạo dư chấn trong đời sống xã hội.
Phóng viên: Hiện tượng tham nhũng đang rất phổ biến và ngày càng phức tạp. Xin ông chia sẻ về những hiện tượng tham nhũng biến tướng tinh vi là mối quan tâm của báo NCT?
TBT Kim Quốc Hoa: Báo NCT không đấu tranh chống tiêu cực tràn lan, dễ dãi, tùy tiện. Tiêu chí, quan điểm của bài báo là bảo vệ cho những đối tượng yếu thế, oan ức, thiệt thòi như nông dân bị thu hồi đất trái pháp luật, bồi thường không đúng quy định, công dân bị tòa án xét xử oan sai, cán bộ công nhân viên bị trù dập. Tiếp đến là đấu tranh với hiện tượng tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước. Năm 2008 chúng tôi chọn Công ty Xây dựng Bến Tre để đấu tranh. Đây là một công ty 100% vốn nhà nước nhưng bộ máy lãnh đạo yếu kém có dấu hiệu tham ô khiến công ty làm ăn lụi bại, họ phải bán hết tài sản cho ngân hàng vì vay nợ quá nhiều. 236 cán bộ, công nhân trắng tay, mấy năm không có công ăn việc làm, không có lương.
Chúng tôi đấu tranh cho người dân mất đất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hay tại Đồng Nai v.v… ở đó một số dự án chính quyền ra quyết định thu hồi mà không có bồi thường cho người dân đúng luật. Chúng tôi cũng “chiến đấu” với một số ông Chủ tịch ở tỉnh miền núi. Họ sống, làm việc xa Trung ương cho nên hành động, quyết định, đối xử với nhân dân, với doanh nghiệp không thỏa đáng. Trong số Chủ tịch tỉnh như vậy, chúng tôi chọn Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, khi ấy là ông Nguyễn Trường Tô. Đã có lúc chúng tôi bị ông Tô dọa nạt nhưng chúng tôi vẫn đấu tranh đến cùng. Sau đó Trung ương đã cách chức Chủ tịch và khai trừ ông Tô ra khỏi Đảng.
Chúng tôi cũng đấu tranh với một số người tham vọng về chính trị nhưng lại gian lận trong kê khai hồ sơ để ứng cử vào đại biểu Quốc hội. Chúng tôi điều tra suốt mấy chục kì báo, cuối cùng kết quả là đại biểu Quốc hội khóa XIII, bà Đặng Thị Hoàng Yến bị miễn nhiệm vào ngày 26/5/2012.
Chúng tôi cũng đấu tranh vì quyền lợi của đông đảo sinh viên một số trường Đại học. Cụ thể, khi nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo của cán bộ, sinh viên các trường điển hình tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Chúng tôi đã đấu tranh với ông hiệu trưởng trường này. Mặc dù hoạt động của nhà trường được kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành nhiều lần kiểm tra nhưng kết luận “sạch sẽ”. Thế nhưng khi báo NCT vào cuộc thì phát hiện ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong xây dựng cơ bản; trong đào tạo, trong công tác cán bộ và thu sai, thu vượt tiền của sinh viên lên đến mấy chục tỉ mỗi năm…
Có thể nói trong mỗi một lĩnh vực chúng tôi chọn một điển hình tiêu cực để đấu tranh, có nhiều vụ việc chúng tôi phải chiến đấu một mình, đơn độc, không có cơ quan truyền thông, báo chí nào phối hợp tham gia. Đôi khi chúng tôi thấy mình đơn độc, tuy nhiên đơn độc mà không cô độc, bởi đằng sau chúng tôi có nhân dân, những cán bộ lão thành, đông đảo độc giả yêu quý và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở báo trung kiên.
Nao núng, nhụt chí thì không, nhưng cảnh giác thì có
Phóng viên: Trong các lĩnh vực ấy, theo ông lĩnh vực nào đấu tranh chống tiêu cực là khó nhất?
TBT Kim Quốc Hoa: Nếu xếp về lĩnh vực, thì tôi thấy đấu tranh với tiêu cực trong quân đội và công an là khó. Tuy khó nhưng chúng tôi vẫn có cách chống và thành công. Bằng sự đấu tranh của báo NCT, một số cán bộ, chiến sĩ là “con sâu, con mọt” trong hai ngành này đã bị phanh phui.
Ngoài ra tôi cho rằng, báo chí “đụng vào” quan chức cấp cao cũng là lĩnh vực cực kì khó. Một số cán bộ cấp cao có những việc làm sai trái được chúng tôi phanh phui như các ông Nguyễn Trường Tô, Trần Văn Truyền, Ngô Văn Khánh, Hà Văn Toại, Huỳnh Đức Hòa, Trần Văn Vệ, Lê Sĩ Bảy, Nguyễn Yên Sơn… Họ có quyền lực lớn, khi đấu tranh với họ chúng tôi phải chịu áp lực từ nhiều phía.
Phóng viên: Ông nói khi đấu tranh với những vị “quan to” đã bị dọa nạt, bị xúc phạm … Và vì họ là “quan to” nên họ dễ dàng dùng quyền lực để chống lại. Vậy trong quá trình đấu tranh với những người vừa có quyền vừa có chức như thế ông rút ra đặc điểm chung gì ở họ?
TBT Kim Quốc Hoa: Thứ nhất, với tôi thì họ không phản ứng một cách trực tiếp. Nhưng có một số trường hợp, họ có gọi điện cho cấp trên tức chủ quản của tôi để giãi bày, thanh minh, cầu cạnh. Một số người thông qua môi giới đến gặp tôi, mong tôi chia sẻ, yêu cầu dừng. Có một số người khác họ sử dụng mạng lưới cộng sự để tìm kẽ hở của báo NCT…
Phóng viên: Nó có khiến ông phải cảnh giác, nao núng không?
TBT Kim Quốc Hoa: Nao núng thì không, cảnh giác thì có. Trong 7 năm qua tôi phải 3 lần di chuyển nhà ở. Ngoài nhu cầu của gia đình thì còn mục đích tìm nơi ở bảo đảm an toàn nhất.
Phóng viên: Theo ông đặc điểm của những kẻ tham nhũng là “quan to” có khiến báo chí hay các công cụ chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước bị “thuyên giảm ý chí” hay không?
TBT Kim Quốc Hoa: Không biết các đồng nghiệp thế nào chứ cá nhân tôi thì không bị nhụt chí. Tuy nhiên, tôi luôn nhắc mình phải cân nhắc và thận trọng từng vụ việc. Tôi từng tham gia quân đội mấy chục năm nên coi mỗi vụ việc như một trận đánh. Nhỏ thì như đánh đồn, vụ lớn thì như trận Điện Biên. Có những lúc mình “tiến”, có lúc mình lại “thoái”, có cả phòng ngự, cốt làm sao để đi tới đích là chống được cái ác, cái xấu xa..
Phóng viên: Nhìn lại vụ ông Trần Văn Truyền, một số người cho là không có dấu hiệu hình sự. Thế nhưng dư luận lại cho rằng, ông Truyền lương bổng có bao nhiêu đâu mà nhiều nhà, nhiều đất như thế? Theo quan điểm của cá nhân ông, trên thực tế và bằng kinh nghiệm chống tham nhũng, liệu tài sản tham nhũng có biến tướng vào nhà đất, xe cộ của quan chức hay người thân quan chức không?
TBT Kim Quốc Hoa: Ông Truyền vi phạm chính sách nhà đất trong khoảng gần 30 năm nay. Từ khi làm cán bộ huyện rồi Bí thư Tỉnh ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ. Hiện nay, chưa thể kết luận ông Truyền vi phạm hình sự. Nhưng tôi cho rằng trong nhiều năm ông Truyền vi phạm điều lệ Đảng một cách nghiêm trọng. Đảng ta quy định đảng viên phải trung thực nhưng ông Truyền lại không trung thực. Ở Bến Tre, con trai ông mới 33 tuổi, là đại úy, nếu tính lương thì chỉ đủ sống cho bản thân và một phần nuôi con. Thực tế thì con ông Truyền có nhiều nhà đất, nhiều xe đắt tiền. Ngoài ra, ông Truyền có hai cô con gái, một cô có mảnh đất lớn (8.000m2) bên cạnh biệt thự của ông ở Bến Tre và cả 2 cô đều có nhà trên thành phố Hồ Chí Minh. Nói không tham nhũng thì không thể có khối tài sản này.Và đã là tham nhũng thì là vi phạm pháp luật, phải xử và phải xem xét trên cơ sở Nghị quyết TW 4.
Phải chặn nguy cơ “thương mại hóa” công tác cán bộ
Phóng viên: Theo dõi báo NCT, chúng tôi thấy một vấn đề lớn nữa mà báo NCT hay đấu tranh là liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ. Ông đánh giá thế nào về tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay?
TBT Kim Quốc Hoa: Công tác cán bộ của chúng ta có nhiều kẽ hở và bị “thương mại hóa” nghiêm trọng. Cụ thể trong vấn đề phong cấp, phong hàm, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Trong các vấn đề đó, ở một bộ phận không nhỏ như Nghị quyết TW 4 chỉ rõ là lợi dụng chức vụ, quyền hạn chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng, chạy bằng cấp, chạy học hàm, học vị… Tất cả những cái đó đều có dấu hiệu tiêu cực, nói đúng ra là tham nhũng thông qua cách hối lộ và nhận hối lộ khi bổ nhiệm cán bộ.
Tôi nhận thấy rằng, không có một ông thủ trưởng nào liều lĩnh mà đi kí bổ nhiệm những cán bộ không có quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn, bỏ qua quy trình. Vậy đằng sau nó là gì? Tôi khẳng định đằng sau nó bị chi phối bởi đồng tiền. Điển hình là vụ ông Trần Văn Truyền ở Thanh tra Chính phủ trước khi nghỉ hưu kí bổ nhiệm hơn 60 người chưa có nhu cầu. Hiện nay, có không ít cán bộ rất tốt, có phẩm chất, năng lực, trí tuệ, trong sáng nhưng không được bổ nhiệm, trong khi đó những người nịnh bợ, kém năng lực, phẩm chất, có kẻ bán nhà để chạy được đề bạt thì lại được kí bổ nhiệm rất nhanh.
Phóng viên: Liệu có phải do cơ chế của chúng ta có nhiều sơ hở nên dẫn đến tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ hay không?
TBT Kim Quốc Hoa: Tôi cho rằng, cơ chế không có lỗi nên đừng đổ cho cơ chế. Nghị quyết của Đảng, Luật phòng chống tham nhũng, các văn bản quy định về tổ chức, bổ nhiệm cán bộ của ta đã đầy đủ. Nếu thực hiện đúng thì không có tiêu cực.
Phóng viên : Quốc hội vừa rồi bàn về một thực tế của các bộ ngành như lạm phát cấp phó, thừa lãnh đạo thiếu chuyên viên, theo ông đó có phải là dấu hiệu của tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ không?
TBT Kim Quốc Hoa: Ở Việt Nam, có khuynh hướng “nói mà không làm” hoặc “nói nhiều làm ít”. Hầu như kì họp Quốc hội nào cũng nói về giảm biên chế, thế nhưng trong những năm qua không những không giảm mà lại tăng bội phần gây gánh nặng cho ngân sách và phiền nhiễu cho người dân. Có những tỉnh lượng công chức quá đông (Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh v.v…). Ở một số Bộ, Ngành tình trạng lạm phát cấp phó cũng phổ biến. Tình trạng bổ nhiệm trước khi người đứng đầu về hưu đáng báo động hầu như ở cơ quan, địa phương nào cũng có, chỉ ít hay nhiều thôi. Tôi cho rằng, bộ máy phình ra cũng chỉ vì “thương mại hóa” công tác cán bộ, bị chi phối bởi câu chuyện nể nang, con ông cháu cha và do chi phối bởi tiền tệ nữa.
Phóng viên: Trải qua hành trình làm báo và đương đầu với nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, ông có hiến kế gì để công tác cán bộ tốt hơn?
TBT Kim Quốc Hoa: Thứ nhất, muốn giảm biên chế thì ở từng cơ quan phải tổng kết, đánh giá, phân loại và họp lại để bỏ phiếu tín nhiệm cho mọi đối tượng. Ai được phiếu tín nhiệm cao thì giữ lại, ai bị phiếu tín nhiệm quá thấp thì cho nghỉ. Đối với công tác bổ nhiệm cán bộ, theo tôi, không bổ nhiệm theo kiểu cảm tính, áp đặt, chỉ định của lãnh đạo hay người đứng đầu. Để loại bỏ tiêu cực tốt nhất trong công tác bổ nhiệm cán bộ, theo tôi phải tổ chức thi tuyển các chức danh.
Kiểm soát thu nhập của quan chức có khó không?
Phóng viên: Là người làm báo, ông đánh giá thế nào về hệ thống pháp luật liên quan đến kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay?
TBT Kim Quốc Hoa: Trước năm 2012, chúng ta đã có Nghị định của Chính phủ về kê khai tài sản cán bộ, tuy nhiên kê khai mà quản lý thì bí mật. Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2012, các Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 và Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ quy định về kê khai tài sản Nghị định 78 có hai điểm mới, gồm công khai bản kê khai và trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Nhưng theo nhìn nhận của tôi thì việc này dù có làm vẫn rất hình thức. Kê khai rồi để đấy, không có sự giám sát, thẩm định hay hậu kiểm.
Phóng viên: Từ vụ ông Truyền, theo ông có cần thiết phải tiến hành một cuộc thanh tra đột xuất tài sản của quan chức cấp cao đương chức để tránh những trường hợp về hưu mới bị lộ hay không?
TBT Kim Quốc Hoa: Dư luận xã hội có nhiều ý kiến phải tổng rà soát tìm xem còn bao nhiêu vụ như ông Trần Văn Truyền. Tôi cho rằng đó là trọng trách của các cơ quan chức năng ở Trung ương chứ không phải của báo chí. Nếu lần này, các cơ quan chức năng làm được sẽ tạo thêm lòng tin của nhân dân, góp phần rất quan trọng vào việc ngăn chặn nạn tham nhũng..
Phóng viên: Dưới góc độ của người làm báo, ông có hiến kế gì với hoạt động kê khai tài sản của cán bộ, công chức?
TBT Kim Quốc Hoa: Theo tôi, không gì thay được bằng từng cán bộ, công chức trung thực với Đảng, làm đúng pháp luật. Sau khi kê khai tài sản cần có sự giám sát, thẩm tra, thẩm định xem đúng chưa, đủ chưa?… Nếu việc kê khai chưa đúng, chưa đủ thì phải có hình thức xử lí nghiêm, nên niêm yết công khai ở cơ quan và khu dân cư để nhân dân giám sát. Trong thực tế hiện nay có nhiều cán bộ còn có cả doanh nghiệp sân sau. Chẳng hạn như công chức phụ trách ngành A thì có vợ con làm giám đốc công ty kinh doanh lĩnh vực A. Cán bộ quản lí thị trường thì có vợ con làm cây xăng… Công ty sân sau đón lõng các dự án, chương trình ưu đãi, nhằm lảng tránh trách nhiệm pháp luật. Việc đó tạo ra khối tài sản cực kì lớn ẩn chứa nguồn tham nhũng được đổ vào sân sau. Bởi vậy phải kiểm soát cả tài sản của những người thân, vợ con của cán bộ, công chức.
Hãy cổ vũ báo chí nhiều hơn nữa
Phóng viên: Qua vụ ông Truyền, để cổ vũ báo chí trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng ông có kiến nghị gì?
TBT Kim Quốc Hoa: Có ý kiến cho rằng, đến thời điểm này trong nội bộ các tổ chức đảng các cấp rất hiếm khi phát hiện được tham nhũng của tổ chức, cơ quan, đơn vị mình mà đều do nhân dân tố cáo, báo chí điều tra, phanh phui sự thật. Những con người thẳng thắn, cơ quan báo chí xuất phát từ trách nhiệm, trái tim nhiệt huyết và lòng quả cảm mà dám đứng ra phanh phui, phản ánh. Tôi cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần lắng nghe, hỗ trợ báo chí, đừng để báo chí và những người dũng cảm làm việc đó đơn độc trong hành trình của mình. Người dám đấu tranh, dũng cảm chống tham nhũng cần được bảo vệ, cần được khen thưởng xứng đáng.
Phan Tĩnh – Thu Thủy (thực hiện)
nguồn báo pháp lý online
nguồn báo pháp lý online
Đến bây giờ vẫn hoài chống tham những....than ôi
Trả lờiXóaRất cảm ơn về bài viết của bạn, bài viết rất hay và ý nghĩa.
Trả lờiXóaNếu có nhu cầu mua đệm tốt giá rẻ mời bạn ghé website chăn ga gối Everland tham khảo nhé!