Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

CON ĐƯỜNG ĐỊNH MỆNH


Dù là cuộc chiến nào, thì mỗi bên đều có quyền theo đuổi lý tưởng riêng của mình. Và đôi khi ta cũng phải nhìn lại mình, bằng cách lắng nghe người "phía bên kia", xem họ nghĩ và sống như thế nào. Đối với nhà cầm quyền Việt Nam, thì tác giả bài viết dưới đây là một kẻ thù nguy hiểm (tiến hành âm mưu lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam). Người này đã bị kết án 12 năm tù. Sau 5 năm, tác giả được thả trước thời hạn (không rõ lý do) và bị "tống xuất" sang Pháp sống cho đến bây giờ. Đọc xong bài này, tôi cứ lặng người đi, mãi không thể cất nên lời.
Nhóm chúng tôi có bốn người. Hòa, Dũng, Duyên và tôi, sống trong một căn gác chật chội ở quận 10, lọt thỏm giữa khu chung tư Minh Mạng với góc ngã bảy Lý thái Tổ Sàigòn. Xóm vách lá này mang tên khu Pétrus Ký. Tôi cũng có bà con trong khu vực này nhưng lối vào là lối từ Lý thái Tổ, ngược với hướng vào của chúng tôi là bên một khu chợ nhỏ góc chung cư Minh Mạng. Ðây là khu vực của dân nghèo, đa phần là gia đình có thân nhân hy sinh trong chiến cuộc của giai đoạn 1970/1973, chính phủ VNCH tập trung về đây để chuẩn bị xây cất thành chung cư. Cuộc sống cực kỳ xô bồ. Bà chủ nhà là người quen của linh mục Nhật, nhận chúng tôi là con cháu, có đút lót cho cánh phường khóm, nên giấy tờ của chúng tôi không bị điều tra gay gắt. Ðương nhiên đều là giấy tờ giả, được làm với những địa chỉ ở Thủ Ðức và Hóc Môn, là hai vùng ngoại thành của Sài gòn có nhiều người nói giọng bắc di cư. Bà thường nhắc chúng tôi.
- Ðánh đĩ mười phương phải chừa một phương để lấy chồng. Mấy đứa làm gì thì làm, không được gây phiền hà ở đây.
Ðương nhiên là chúng tôi hiểu bà muốn nhắc đến việc gì. Bà cụ sống đơn độc. Ðứa con trai duy nhất đi lính Biệt kích sau 1975 không về ! Thời gian chờ đợi đã 5 năm dài, không một tin tức. Ðêm đêm mùi nhang thoang thoảng thường làm tôi ứa nước mắt. Bà cụ ngồi như một pho tượng dưới «tầng» dưới. Góc bàn thờ bé xíu ngay bên vách giường của bà, là hai tấm hình một phong sương một trẻ măng. Lúc nào mở mắt, nhìn xuống khe vách, tôi đều thấy bà ngồi bất động với cỗ tràng hạt đen bóng trên tay. Chưa bao giờ tôi thấy bà than thở với ai điều gì. Bà sống lặng lẽ, không mất lòng ai, không nói chuyện ồn ào với ai. Bà là một cái bóng hiền từ và lặng lẽ.
Bà cho dân chạy hàng mối thuê căn chính nên bà chỉ còn một góc là không gian yên tĩnh. Hàng mối đều là hàng lậu, dân buôn trà và cà phê từ Bảo lộc về bến đổ Miền Ðông sát Viện Hóa Ðạo. Giờ hoạt động bất thường và đều có lót tay hậu hĩnh cho đám công an nên chúng tôi cũng nhờ đó mà đi đi về về, dù có bất thường cũng không làm ai cảm thấy lạ lùng. Bên cạnh nhà là hai ba căn của giới chị em giang hồ phiêu dạt. Có những đêm chị em rước khách ngay tại nhà. Chúng tôi sống trên một căn gác lửng, như một cõi thiên thai giữa đời trần ô trược. Chứng kiến hàng ngày bao điều hỉ nộ ái ố, buồn vui giận hờn đầy vơi nước mắt.
Vì các vách nhà đều là những miếng carton hoặc gỗ ván mỏng, nên khó ai dấu hàng xóm được trọn vẹn những sinh hoạt của mình. Bốn anh em tôi, đương nhiên không qua mắt hoàn toàn được mấy chị em phiêu dạt. Một hôm, một ngươì khách vẫy xe tôi dừng lại khi đang chạy trên đường Hồng Bàng. Tôi bẻ lái vào lề đường. Người phụ nữ bước lên xe ngồi là người hàng xóm của tôi, sát vách.
Chị ngồi lọt thỏm trong lòng chiếc xích lô cà tàng, vắt vẻo chân phải gối lên đùi chân trái mặt quay lại ngước nhìn tôi. Tôi chỉ biết cười mếu máo! Tôi chưa bao giờ nói chuyện với chị bao giờ. Trong hoàn cảnh này thì lại khó nói hơn, vì chắc chắn dù cho chị có bảo tôi chở đến đâu đi nữa, đương nhiên tôi sẽ không nhận tiền xe. Cả hai có lẽ đều chờ người khác lên tiếng trước. Bánh xe vẫn chầm chậm lăn, đụng bùng binh Nguyễn Tri Phương, tôi chạy hai vòng vẫn không thấy chị kêu chạy hướng nào. Vòng thứ ba tôi chịu hết nổi, hỏi:
- Má về đâu… má ?
Chị phá ra cười, xoay nghiêng hẳn người, đầu gối lên một giá sắt mui xe, buông một câu lãng xẹt.
- Ðâu cũng được !
Bỏ mẹ rồi! Gặp thứ bán giời không mời thiên lôi rồi. Thứ này đang buồn đời, điệu này đạp có mà bá thở. Tôi thở dài đánh sượt một phát rồi rướn mình đứng hẳn lên bê đan, khum tay gò người đạp, nhắm đường về ngã Phú thọ. Muốn điên thì cho điên luôn, cho bà ra hương lộ với những bờ kênh rau muống luôn! Trời đã nhá nhem, bụng thì đói cồn cào …
Xe qua Bảy Hiền, dông tuốt qua Bà Quẹo. Lúc này thì chị lên tiếng. Giọng gàn bướng đã mất. Chị hỏi tôi.
- Anh không sợ à ?
- Sợ gì ?
- Khu này hay bị cướp xe xích lô ban đêm !
- Chị nghĩ mấy thằng cướp chúng đi cướp cái xe cà tàng này à ?
Rồi tôi hỏi lại, lòng nghĩ là bà ta đã nhuốm sợ sệt.
- Chị muốn quay lại chưa? Sợ chưa?
- Ði với mấy anh thì sợ gì nữa!
Câu trả lời làm tôi chột dạ. Ẩn trong giọng nói ấy hình như mang mang một tâm sự, một nỗi buồn và một sự hiểu biết nào đó vượt quá tầm mong đợi của tôi …
- Chị quá tin người rồi. Chúng tôi chỉ là những đứa nhà quê ra tỉnh kiếm ăn.
- Anh không dấu được tôi đâu …
Tôi giữ giọng bình thản, dù lòng đã phát hoảng.
- Chúng tôi sao dấu được người thành phố. Mà có dấu cũng đâu tội tình gì ! Nhà quê đâu phải là điều đáng xấu hổ !
- Anh coi thường người chung quanh quá đấy. Những chị kia anh có thể dấu được nhưng tôi thì không …
Xe lăn bánh trên đường vắng, có lúc nhấp nhổm lộp cộp trên những ổ gà, hai bên ánh đèn nhà đã lên, hắt vàng vọt ra đường những ánh sáng nhạt nhòa. Thấy xót xa cho người con gái ngồi trên chiếc xích lô đang rã rệu, nệm ngồi mỏngdính đã rách bươm… Tôi dừng xe, đứng xuống đất để xoay vòng đầu lại nhắm về nội thành. Người phụ nữ phiêu dạt ngồi lặng lẽ, bất động trên xe. Khi tôi dợm bước chân lên bê đan để nhảy lên yên, chị ngoái hẳn mặt lại nhìn tôi, hai khuôn mặt khá gần nhau, ánh đèn hắt ra từ một cửa nhà cho tôi nhìn thấy một đôi mắt đàn bà đã ướt, long lanh trong ánh điện nhập nhoạng.
- Sao không sống bình thường như những người khác ?
- …
- … sao chống lại họ được !
- …
- … tôi hơn anh vài ba tuổi thôi. Tôi bắt đầu vào Văn khoa thì trời sập …
- …
- … Ba tôi ra bắc. Từ ấy đến giờ không tin tức gì cả …
- …
- … mẹ tôi mất trước hồi sập tiệm…
- …
- …Cư xá họ đuổi ra Lê Minh Xuân. Tôi trốn về, với đứa em. Nó đi rồi ! Tới Thái lan rồi !..
Người phụ nữ độc thoại. Những lời thoại chầm chậm như tiếng búa nện lên những đầu đinh một chiếc nắp quan tài ! Tôi đạp loạng choạng. Nước mắt ứa ra khi nghe tiếng gào lên của người thiếu nữ sau tiếng gọi « Ba ơi » nghẹn ngào! Đoạn đường với những ruộng ao rau muống đã bắt đầu có những con nhái óc ách, cất tiếng kêu ngại ngần cho một không gian đêm bao la mới.

***
Mọi người tưởng rằng bà cụ sống vô tình không quan sát đến ai. Tất cả đều đã lầm. Một buổi chiều tối, ánh đèn đã lên. Quanh mâm cơm đủ năm người. Duyên mua đâu được ký cá rô đồng, chạy đâu ra mấy miếng da lợn, nửa băm cá nấu canh rau ngót nửa chiên dòn rụm. Ánh than hồng trong chiếc lò hắt ánh sáng lên mặt Duyên … ánh mắt tôi vô tình lướt qua làn má ưng ửng màu hồng tinh khôi làm lòng tôi hốt nhiên cảm giác như xửng vửng, tôi vội hướng nhanh tia nhìn sang hướng khác, đậu lại trên những miếng than bùn đá đang đỏ rực trước khi nhận ra ánh mắt bà cụ cũng vừa lướt nhanh qua mặt tôi và Duyên.
- Duyên nay bao tuổi rồi con ?
- Dạ, con 18 hơn chút...
Duyên đáp nhẹ nhàng, tay thoăn thoắt sới cơm cho ba thằng thanh niên giời đánh .
- Cơm canh ngon không mấy đứa ?
Cả ba chúng tôi đều dạ như cái máy. Miệng vẫn nhồm nhoàm nhai nhai nuốt nuốt.
- Này mà có cơm trắng thì còn ngon hơn biết bao nhiêu …
Bà cụ vừa nói vừa gắp một miếng cá đưa lên bát Dũng .
- Con Duyên nấu khéo mà mấy bây không biết nói câu nào khen cho nó mát ruột. Con gái khéo chỉ mong có chừng ấy. Mấy đứa thiệt … biết gì gì đâu không…
Ba thằng thanh niên gà tồ nghe bà cụ nói mà vẫn thộn mặt ngớ ngẩn. Phần đuôi mắt bà cụ sau câu nói lại như nhìn vào tôi! Duyên tản câu chuyện sang hướng khác, có lẽ đàn bà họ dễ cùng nhau hiểu nhanh hơn những mớ chữ nghĩa nửa chừng kiểu này …
- Mấy bữa nay không thấy chị Thu bên hàng xóm ?
Không khí tự dưng như khựng lại. Thu là ngươì thiếu nữ cách đây hơn tuần tôi đạp xích lô ra mãi Bà Quẹo. Trong nhà ai cũng biết Thu làm gái bán hoa, có điều là không thuộc hàng chớt nhả và, chỉ có hàng xóm cận thân mới biết. Thu sống thu mình như một chiếc bóng, nhưng mỗi khi hàng xóm có ai khó khăn, Thu đều dúi tiền vào tay bà cụ chủ nhà chúng tôi ở, bảo bà cụ giúp ngươì khác nhưng đừng nói là tiền của Thu. Chuyện này chỉ trong nhà chúng tôi biết với nhau. Ngay như chúng tôi, cũng có khi Thu bảo xích lô chở năm mười cân gạo vào tận nhà, đưa cho Duyên hay đưa cho bà cụ. Chắc chắn Thu đã có những lúc nhìn sang mâm cơm của chúng tôi, bốn đứa chỉ một nồi cháo bobo cho một ngày với bát nước tương. Chắc chắn Thu biết có những lúc Duyên ngồi khóc một mình khi bốn chúng tôi không xoay nổi ngày hai bữa cơm độn, đêm nằm trên căn gác ọp ẹp, chiếc mùng lớn là hai thằng thanh niên trằn trọc vì cái đói, chiếc mùng nhỏ là Duyên bắt chước bà cụ, ngồi như một pho tượng ! Thằng thứ ba đương còng lưng trên chiếc xích lô cà tàng… và còn những âm mưu ! Còn những người trong bóng tối mà Thu chỉ hình dung ra phía sau chúng tôi …
- Cô ấy đi rồi !
Tiếng bà cụ như gió thoảng.
- Về quê hả bác ? - Tiếng Duyên hỏi bà cụ.
- Quê đâu mà về ! Nó là người Sài gòn này mà. Sanh ra ở đây. Lớn lên ở đây …
- Vậy cô ấy đi đâu ?
- Ðài loan !
Cả ba đứa con trai đều chưng hửng. Ðài loan! Một đất nước xa xôi và chắc chắn là tự do! Một nơi đến ước mơ của những kẻ hải hồ …Và một người đàn bà trẻ đẹp từng có những ngày tháng đau khổ sát cận đời sống chúng tôi, chỉ cách một bức vách cạrton mỏng dính mà mỗi lần phảng phất mùi nước hoa là đi theo những tiếng động thầm kín của xiêm y mềm mại. Những thứ tiếng động có khả năng, làm cho những vành tai của bọn thanh niên mới lớn biết động đậy. Những tiếng động có lúc làm Duyên khe khẽ buông tiếng thở dài, trong đêm trường ồn ã đầy hoang vu giữa lòng thành phố…
- Ðừng coi thường cô ấy !
- …
- …
- Bố đi tù chắc đã chết rồi. Mẹ cô ấy mất trước 75, cũng mất ngoài đơn vị của chồng. Nghe đâu là bị pháo.
- …
Tiếng bà cụ rời rạc như những hạt cơm độn sắn khô khốc « … Thu lấy một người Ðài loan để trả món nợ của đứa em sau hai lần vượt biên. Cô ấy là giới bán hoa hạng sang trong Chợ Lớn … ».

***
Duyên và Dũng từ Sài gòn về Vĩnh Long hai ngày sau thì xuống Cao Lãnh, rồi hai ngày sau mới đánh vòng về Long Xuyên. Từ Long Xuyên đi xe lôi về Rạch Giá. Dũng là dân bờ bụi, giọng nam giọng bắc gì Dũng cũng nói được. Duyên không kém. Những ngày tháng tranh sống ở ngã ba Hàng Xanh với chiếc xe bánh mì của một người chung tổ chức … đã biến Duyên thành cô gái có thể hóa thân vào mọi hoàn cảnh. Tôi chờ tin của anh em Dũng tới điểm hẹn nơi một gia đình người Tiều mới kêu Hòa xuất phát .
Ba tuần trước, linh mục Nhật đã nhắn tin cho chúng tôi là phải rời khỏi đất nước! Tổ chức tuy vỡ từ1978 thủ lĩnh là linh mục Vàng dòng Chúa Cứu Thế bị tuyên án chung thân, nhưng vẫn còn duy trì một số ổ nhóm có vũ khí đến tận bây giờ. Sự cố đột ngột là có một nhóm nữa vừa vỡ. Nhóm này rất có thể sẽ chịu đựng không nổi sự tra tấn dã man, mà khai ra nhóm chúng tôi. Nhóm vừa bị bắt liên quan đến linh mục Vũ Khánh Tường ở Sài gòn. Linh mục Nhật báo có chuyến ghe cũng của một nhóm công giáo khác sẽ đi từ Rạch Giá. Quá gấp nên chỉ là thuyền nhỏ và chắc chắn phải nhắm băng ngang vịnh Thái lan! Tôi ít hơn Dũng một tuổi, ít hơn Hòa hai tuổi nhưng là trưởng nhóm, nhận chỉ thị là phải thi hành. Ðiều lo lắng là Duyên. Vượt Vịnh Thái lan, chuyện hải tặc là chuyện khó tránh. Tôi bàn với Dũng là ba thằng đi nhưng Duyên ở lại, chờ chuyến sau, chọn những chuyến ghe mạnh và hướng đi là Singaport hoặc Mã Lai Nam Dương. Duyên biết được, giận tím mặt. Ðêm ấy nằm lỳ lại nhà chủ xe bánh mỳ, nhịn đói hai ba ngày nhất định không về nhà ở Petrus Ký… Dũng bắt tôi phải đi nài nỉ em hắn về. Tôi bảo sao lại là tôi mà không là Dũng. Dũng lắc đầu bảo rằng có những điều tôi phải tự hiểu lấy! Duyên đã về vơí điều kiện phải được đi cùng chuyến. Sống cùng sống chết cùng chết. Lần đầu tiên Duyên quát vào mặt tôi «…sống cùng sống chết cùng chết, anh biết chưa !». Mắt Duyên đỏ lên như một con mụ điên, trừng trừng nhìn vào mắt tôi !
Hòa xuống Sóc Trăng, từ Sóc Trăng về Rạch Giá. Tôi đi từ Sài Gòn về Cần thơ rồi đáp ở Châu Thành. Đây là điểm xuất phát của chúng tôi, bằng đường con sông Cái Lớn để ra cửa biển phía Rạch Sỏi. Tháng 3 trời khô ráo, gặp lại anh em Duyên, Dũng, nước da đen nhẻm. Duyên đầu trần đen đủi đến mức không ngờ. Gặp nhau, nhìn tôi, Duyên như một người xa lạ, không tỏ vẻ hỏi han ân cần như hàng năm qua sống đời đói khổ cùng nhau. Chẳng biết nghe ai, Duyên tìm dầu nhớt cũ trét lên đầy cả người và đầu mặt. Móng tay cắt cụt lủn mười đầu sưng tấy không biết do ngâm thứ thuốc gì, hỏi thì không nói.
Ðêm đầu tiên gặp lại nhau, bốn đứa trú ở một căn lều, trong một vườn dứa và dừa gần bờ sông Cái Lớn. Tôi gọi cả ba ra bờ mương thay phiên bắt tập đi trên bờ bùn vì tôi biết chắc khi gặp hoàn cảnh phải trốn chạy, cách bấm chân trên mặt đường bùn hoặc bờ ruộng trơn những người thành phố sẽ không biết đàng nào mà lần. Trong đêm, đi trên đường ruộng, cách nào là cách phân biệt đâu là vũng nước đâu là đất cứng, bởi cảnh ruộng dứa kiểu này, ngã trên luống dứa năm bảy lần liên tiếp là coi như tiêu tùng. Ðúng như tôi dự đoán, cả ba thi nhau ngã sõng soài khi phải từng người một chạy theo tôi trên bờ mương. Phải đêm thứ ba, cả ba mới đi đứng tự tin được trên các đoạn đường bùn. Tội nghiệp Duyên. Cô ta không cho tôi nắm giữ tay nên ngã chúi nhủi rất nhiều lần, mỗi lần ngã quần áo mặt mày lấm lem đầy bùn đất, không kêu ca, nghiến răng bò dậy rồi tập đi tiếp. Ðêm xuống sâu, cả bốn chui trong một cái mùng, muỗi vô hồi kỳ trận ! Nhiều kinh hoàng đối với người thành phố. Ba thằng thanh niên chia nhau vừa canh thức vừa ngủ. Cả đêm người thiếu nữ bó gối ngồi nhìn ba đứa đàn ông, một là anh ruột mình, sau anh ruột mình là hai người đồng chí, đã từng gần hai năm gắn bó gian lao cùng nhau, dưới chung một mái nhà lều chõng giữa thành phố, từng mang tên hòn ngọc của vùng viễn đông.
28 trời đêm đen như mực. Bốn đứa lần mò xuống xuồng. Hai chiếc xuồng con nhẹ nhàng đưa bốn đứa ra đoạn sông lớn . Duyên nhất quyết đòi ngồi chung xuồng với tôi. Xuồng chòng chành, tôi ngồi sau đưa tay đỡ lưng Duyên, Duyên bảo để rồi sẽ quen, không cần tôi giúp ! Tôi bắt đầu khó chịu vì tính tình đột nhiên kỳ quặc của đứa con gái em bạn thân của mình, vốn dĩ hết sức ngoan ngoãn từ ngày gặp nhau .
Cập thuyền lớn tôi có hơi ngỡ ngàng. Thuyền khoảng 11 mét, ngang khoảng mét rưỡi, có máy đuôi tôm phía sau kèm với một máy mạnh chuyền động cơ cho chân vịt. Tổng công chỉ có 19 người kể cả 4 ngươì chúng tôi. Tất cả đều được dặn dò trước, tuyệt đối không hỏi han quê quán hay tên tuổi của nhau, đặc biệt là không hỏi về tổ chức. Trên thuyền có bốn người phụ nữ khó nhận được tuổi vì mặt mũi da dẻ đều giông giống như Duyên, nghĩa là đen đủi một cách kỳ lạ bởi dầu nhớt và phơi nắng . Cabine thuyền có 6 khẩu ak, khoảng hơn chục băng đạn loại băng cong và một túi cói đầy đạn. Tài công rắn rỏi cũng là hoa tiêu. Người đứng trong cabine nhỏ giữ cần lái được biết là thuyền trưởng. Tôi chỉ được biết đó là một người bắc công giáo, đơn vị hoạt động gốc là Mặt trận Kháng chiến Liên tôn ở Gò Công. Hiện hoạt động độc lập. Ðây cũng chính là người chịu trách nhiệm chính của chuyến đi. Nhóm 4 người chúng tôi là nhóm cuối cùng lên thuyền. Tiếng máy ùng ục nghe rất chắc chắn, đầu ống bô dẫn sát với mặt nước. Ðúng mười một giờ đêm thuyền kéo neo xuất phát. Ống bô chìm được tháo. Sáu cây súng chia đều cho hai bên sườn thuyền. Dũng thủ một cây với hai băng cong đã cuốn thung chặt thành một. Tôi như thói quen, móc bốn trái lựu đạn vào dây thắt lưng. Ðêm thật nhiều sao , tấm bạt đen được kéo ra gần đầu che mui thuyền. Thuyền từ từ ra cửa biển. Trạm gác cửa biển địa phận Rạch Sỏi dần hiện ra. Chiếc thuyền nặng chịch chở gỗ phía trước đã bị ách lại, thuyền 19 người sáp đến gần trạm. Giàn lưới nghi trang đã xếp thứ tự cẩn thận cạnh lớp bạt được kéo hở một nửa thuyền. Sáu cây súng đạn đã lên nòng. Lựu đạn đã cầm sẵn trên tay nhiều người. Tất cả là một sự im lặng khó diễn tả. Tiếng sóng ọc ạch đánh vào mạn thuyền mỗi lúc mỗi mạnh hơn.Tiếng máy nổ đều đặn vô tình. Mùi biển cả đã tràn trong không khí. Bỗng hai tiếng súng ak chát chúa vang lên. Ðạn bay chíu qua đầu. Tôi hít mạnh một hơi dài, chuyền trái lựu đạn sang tay trái, tay phải đưa lên mặt làm dấu thánh giá. Một bàn tày nhỏ nhắn bám vào bắp tay tôi, rồi hai tay nắm chặt lấy tay tôi như kiểu sợ tôi sẽ chạy mất. Có tiếng quát rất to « Ðm vào sát chút nữa coi …». Thuyền tôi vẫn chòng chành đứng yên.Tất cả những cái đầu đều đã nằm hoạc hụp sát xuống thành ghe. Lại có tiếng quát « Ðm, thằng kia không đi đi, sớ rớ đó làm gì …». Tôi thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy đau nơi vai, nhìn xuống là nét mặt Duyên đang cực kỳ căng thẳng, hàm răng đang cắn chặt vào vai tôi …
Con thuyền xả máy lớn, chồm lên lao về phía trước. Bài bản đã sửa soạn thực tế diễn ra trùng khớp. Con tàu chở gỗ là con tầu buôn, thứ ấy mới có ăn chứ mấy con thuyền đánh cá ven biển thì ăn nỗi gì. Thuyền chỉ có 19 người, đít thuyền nhẹ tênh, mắt nào thì cũng tin là thuyền ra cửa biển để đánh cá. Thuyền không lớn để ngươì ta có thể dễ dàng hình dung sự vượt biển,tài công lại hết sức bình tĩnh nhắm trạm đâm vào.
Tiếng sóng mỗi lúc mỗi ầm ào hơn. Màn đêm mênh mông vô tận.Thuyền nhấp nhô hụp lặn đội sóng. Cảm giác bao la của biển cả ùa vào từng mạch máu của đàn người vừa đối mặt một trận tử chiến hứa hẹn cực kỳ khốc liệt .Tấm bạt che được rút lại , ánh sao sáng của chùm bắc đẩu cho tôi biết mũi thuyền chính xác nhắm hướng tây nam để đâm vào Vịnh Thái Lan. Mối lo thứ hai mỗi giờ mỗi hình thành lớn lao hơn : Hải tặc !
Thuyền vươn cao,vật vã đâm sâu vào màn đêm hoang vắng. Hai tiếng qua rồi bốn tiếng ! Sóng mênh mông chập chùng, biển êm không gió giật. Mặt trời đã le lói đỏ hồng phía tay trái.Trên thuyền hầu như mọi người dưới khoang đã ngủ mệt sau những ngày giờ chờ đợi và trốn tránh căng thẳng. Hòa nằm dựa mạn thuyền ngoẹo đầu ngủ say. Dũng đã tháo băng đạn, ôm cây súng ngủ ngon lành. Tôi không dám nhìn Duyên vì biết Duyên không ngủ, nằm tựa mặt vào vai tôi cơ hồ lúc nào cũng sợ tôi bỏ trốn. Ngước mặt nhìn lên hướng ca bin, người thuyền trưởng đứng cầm cần lái, miệng ngậm hờ hững điếu thuốc rê, mái tóc cắt ngắn đã chớm bạc. Ông nhìn xuống gặp ánh mắt tôi đang nhìn ông. Một cái nheo mắt và bàn tay đưa lên với ngón cái chỉ lên trời . Nhân dáng một người lãnh đạo hiếm hoi. Tôi thầm nghĩ vậy, đưa tay vô tình bóp vào chỗ đau của bắp vai. Duyên đầy tay tôi ra, lấy bàn tay nhỏ nhắn che lên vết cắn rướm máu, như một đứa bé con bị người lớn bắt q tang đang ăn vụng …

Mặt trời lên rực rỡ, ánh sáng chói lòa. Bỗng mũi tàu quay chếch hẳn về hướng tay trái ! Một cảm giác rờn rợn chạy nhanh qua sống lưng. Tôi liếc nhìn xuống Duyên. Cô bé giờ lại nhắm mắt ngủ, hiền lành như một con chó con bó hai tay gọn giữa lòng đùi. Ðưa mắt sang Hòa. Hòa thất sắc, tay mân mê trái lựu đạn đeo ở dây lưng quần. Bên cạnh Hòa, Dũng cúi xuống khẽ đút băng đạn vào ổ súng. Tiếng cạch khô khốc vang lên. Tôi ngước nhìn chếch lên cabin.Cả tài công và thuyền trưởng đứng trên cabin, tay người đàn ông tóc hoa râm cầm chiếc ống nhòm mặt đanh lại. Hầu hết những ngươì trên thuyền đã tỉnh táo hẳn. Duyên mở đôi mắt như muốn rách khóe hết nhìn mặt tôi lại nhìn mặt Dũng, ngón tay út và áp út giật giật liên hồi. Từ gần hai năm qua, đây là lần đầu tiên tôi thấy cô bé lộ ra sự sợ hãi. Và là sự sợ hãi cực độ. Ba ngươì đàn bà kia đều tái xám hết mặt mày, mắt đeo dính lấy ngươì đàn ông thuyền trưởng. Tiếng ông cất lên, giọng bắc rõ mồn một.
- Ở dưới lườn thuyền có hai khẩu Ak, đạn đã ráp sẵn, chỉ rút cao su bọc mũi súng ra là bắn được. Súng kẹp bằng hai nẹp gỗ, có chốt và đệm cao su ở phần đầu mũi súng, giật ngược về phía đầu tàu là súng bung ra.
- Như đã thỏa thuận trước, cần nhất là sự sống … nên phải tránh tối đa sự đụng độ. - Ông nhìn mọi ngươì rồi kết luận - Tôi và tài công sẽ điều đình, mọi người đừng vọng động.

… chừng 40 phút , một chiếc tàu gỗ mũi cao săm săm tiếp cận thuyền chúng tôi, cách chừng trăm mét tiếng ak đục đặc rải từng tràng , ý ra lệnh ngừng lại. Thuyền trưởng và tài công vẫn xả hết tốc lực cả máy đuôi tôm lẫn máy gầm. Súng ống được dấu hết xuống sàn thuyền. Cuộc rượt đuổi bắt đầu kịch liệt. Cả hai tàu và thuyền đều xả khói đen, đạn bắn vun vút phát ra từ phía tàu hải tặc. Tôi nhìn mọi ngươì rồi nhìn xuống Duyên tôi nghiệp bé bỏng đang ngồi phủ phục, tay lật bật cầm cỗ tràng hạt miệng lắp bắp không thành lời. Cố bé đã quá sợ. Điều sợ hãi kỳ lạ của đời người con gái tinh trong …

Khoảng cách thu ngắn dần sau gần nửa giờ rượt đuổi. Gần tiếng sau coi như con thuyền đã bị khống chế . Cách chừng 50 mét, mọi người nhìn rõ mồn một một cây phóng lựu B40 đang lăm lăm chĩa vào con thuyền tỵ nạn. Tôi rụng rời tay chân ! Đây là tình huống ngoài hẳn kịch bản ! Nhìn sang Hòa. Hòa lắc đầu, đưa tay gỡ mấy trái lựu đạn trên dây thắt lưng của tôi. Vừa gỡ vừa nói.
- Mày là chỉ huy. Không có quyền chết. Nhớ đấy…
Nhìn sang Dũng, Hòa đưa tay giật lấy cây súng trên tay Dũng. Tiếng người thuyền trưởng cất lên.
- Đừng để lộ thái độ chiến đấu . Quay cho thuyền xoay ngang chống sóng !
Là người chắc chắn đã quen trận mạc, chắc chắn ông đã hiểu điều Hòa muốn gì sau câu nói với tôi và Dũng . Tàu chao nghiêng cưỡi sóng đúng lúc Hòa lăn mình trườn lộn ngược ra khỏi thuyền lao xuống biển. Tôi nhìn Dũng, nhắc lại lời của Hòa :” Không được chết”. Duyên hình như đã hết sợ, bàn tay tỉnh táo bám vách thuyền nhìn về hướng tàu hải tặc. Nhóm còn lại tất cả đều đã trong tư thế chiến đấu.
Tàu hải tặc áp sát thuyền, mấy cây súng bên thuyền đã dúi xuống đám lưới cá. Hòa ọc ạch lúc lặn lúc trồi phía khuất tầm nhìn của tàu hải tặc. Bẩy tám thân hình lực lưỡng đen xì chỉ bận xà rông đứng lừng lững trên mạn tàu cướp, tay búa tay súng ra hiệu từng người trong chúng tôi dồn về phía mũi thuyền,một nửa phải nhảy xuống nước. Bốn người phụ nữ ngược lại phải chui vào cabine để ngồi phía đuôi thuyền. Tất cả bốn người đàn bà đều tỏ ý chống lệnh của nhóm cướp. Một tràng súng nổ, quất sụm tức khắc người đàn ông của nhóm đang đứng gần bụng thuyền nhất, đó có tài công ! Bốn người phụ nữ rú lên , ngồi thụp xuống. Hai bóng người lực lưỡng cổ đeo dây chuyền vàng có tượng đức Phật nhày sang thuyền nắm ngay lấy bắp tay Duyên xoay người quẳng Duyên như một con gà con văng lên tàu lớn. Ba người đàn bà còn lại được đưa sang tàu bên kia chóng vánh. Bốn mũi súng Ak nhắm trực diện vào đám đàn ông. Cuối tàu lớn vẫn im lìm mũi quả hoả tiễn phóng lựu B40 !..
Chúng ra hiệu hỏi vàng dấu ở đâu, đưa ra cho chúng. Người thuyền trưởng giơ lên một cái bao ny lon nhỏ. Chúng hỏi bằng tiếng Anh lơ lớ là có bao nhiêu. Thuyền trưởng trả lời 30 lượng. Chúng cười hô hố rồi nhổ toẹt bãi nước bọt xuống biển sang phía chúng tôi. Tiếng thuyền trưởng vẫn nhắc nhở qua kẽ răng “ phải bình tĩnh, phải giữ mạng sống, chết càng ít càng tốt …”. Ông ra hiệu xin nói chuyện. Thằng có vẻ là chỉ huy tàu cướp dệnh dạng từ trong cabin cúi đầu bước ra, đứng nửa chân lên thành tàu gỗ chắc nịch. Nói độc một chữ “Thoóc !“. Vị thuyền trưởng khum tay làm loa, nói chậm tiếng Anh từng tiếng một, đại ý rằng chúng tôi là nhóm người chống cộng sản, tìm tự do, không có tiền bạc, 30 lượng là vốn liếng duy nhất, xin rộng lượng giúp đỡ cho chúng tôi vào đất Thái…”. Đáp lại lời chân tình của vị thuyền trưởng, tên chỉ huy khua khua tay tỏ ý không hiểu …rồi đi vào cạnh cửa cabin. Lúc này bốn người phụ nữ đã bị xé áo. Chúng lấy dầu xăng đổ lên đầu tóc vào cả bốn người rồi hai ba đứa đưa tay thô bạo kỳ cọ ! Tiếng gào của Duyên làm tim tôi như có ai thò tay vào bóp nát! Tiếng cười khả ố vang dậy khi cả 4 thân hình lồ lộ hiện ra sau khi lớp nhớt cặn được rửa sạch. Hai tên nữa nhảy sang thuyền tỵ nạn. Một đứa đưa tay ra dấu thuyền trưởng ném cái túi vàng cho hắn. Khi đã cầm túi vàng, y ra dấu từng người đến gần y. Mọi người đều phải cởi quần áo trước mặt hai đứa này, chổng mông cho y thọc ngón tay vào sâu hậu môn. Tất cả nhịn nhục, hy vọng rồi chúng sẽ thả sau khi có được 30 lượng vàng, sau khi khám xét chúng tôi không có bất kỳ thứ gì dấu dắt.
Hai đứa mò vào cabin, chúng mở hết các nắm thùng dầu và đổ lênh láng ra sàn tàu. Mũi dao đâm nạy tất cả các ngóc ngách có khả năng dấu đồ. Chừng nửa tiếng, cả bốn nhẩy hết sang tàu lớn và bắt cả bốn người phụ nữ phải tự lột quần. Cả bốn ngồi thụp,không ai đứng lên. Tên chỉ huy đứng gần chỗ Duyên đang ngồi đưa tay chỉ vào người phụ nữ ngồi sát cạnh Duyên, chị khoảng 30 tuổi ngoài, chắc đã có hai ba con vì bầu vú có vẻ nặng nề sung mãn không như ba người còn lại. Hai tên lực lưỡng mỗi đứa cầm một tay chị kéo ra giữa khoang bụng tàu, một tên khác cầm chân kéo tuột cả quần trong lẫn quần ngoài. Tiếng cười man dại tự dưng tắt ngấm ! Thân thể lõa lồ của người thiếu phụ đương xuân đã làm chúng bất ngờ. Tôi nghe tiếng lẩm bẩm của vị thuyền trưởng “Anh em nhẫn nhịn, mạng sống là quý nhất. Ta còn nhiều việc phải sống để làm cho xong …”. Tôi nghe tiếng thờ dồn dập của hầu như tất cả những người đàn ông còn lại bên thuyền tỵ nạn. Tay ai cũng nắm lại. Bên tàu hải tặc,người thiếu phụ bị vật ra nằm sấp, thuyền tỵ nạn thấp nên tình cảnh bi thương không đánh trực diện vào đầu óc của đàn người tỵ nạn. Hy vọng mong manh cuối cùng là chúng sẽ thả hết mọi người sau khi lục soát từng phân vuông trên thân thể từng con người. Hy vọng mong manh nhưng lại như rất tràn trề, dù là mỗi người đều đang có cảm giác như tự lường gạt mình …
Duyên là người cuối cùng, tự cô đứng lên lột quần, và lần đầu tiên trong khung cảnh bi thảm não nề, tôi thấy chiếc quần lót căng cứng của Duyên lại chính là chiếc quần lót duy nhất của tôi, chị tôi may cho từ vải dù của quân đội cũ. Lần đầu tiên trong hoàn cảnh trái ngang, tôi biết Duyên đến nỗi không có được một chiếc quần lót cho ra quần lót … trong suốt thời xuân nữ hoa mộng. Tất cả những gì có được, Duyên đều dành cho chúng tôi !..
Duyên thản nhiên cúi xuống chờ hành vi thô bạo ! Một tên bước đến gần Duyên nhưng tên chỉ huy đã nói gì đó. Y đứng lại, ra hiệu cho Duyên mặc lại quần rồi đẩy Duyên vào cabine. Một tiếng nói lớn giọng hơn bình thường của thằng chỉ huy cất lên khô khô khốc . Ầm ! Tiếng đề ba vang lên gần như đồng lúc với tiếng nổ của B40 nhắm đúng phần đuôi khoang thuyền tỵ nạn ! Mũi thuyền xoay ngang hất mọi người xuống nước, khói bùng lên khét lẹt, lửa phựt lên từ cabine liếm dài ra các cửa.Tôi nắm vội mớ thừng bùng nhùng vừa rơi còn dính móc ở đầu thuyền. Dũng bật ngược lại lên thuyền, chắc chắn chủ ý của Dũng là nằm úp lại trên thuyền gỡ súng AK để quật lại. Tôi bất lực trong hoàn cảnh này vì tôi không biết bơi ! Những tiếng súng chát chúa lại vang lên bên tàu cướp, tôi ngoái nhìn sang tàu cướp đúng lúc thân hình Dũng bật ngửa rơi xuống nước trước mặt tôi, lưng cắm ngập một lưỡi búa thái, tay còn cầm sợi dây lưng tòn ten mấy qủa lựu đạn. Trên thành tàu bên kia, hai người phụ nữ lõa lồ, một ôm một cây Ak không biết đã giựt được của tên cướp nào,một cầm cái búa cùng húc vào phía cabine ! Đạn từ trong ca bin tàu hải tặc bắn ra và đạn tử lườn thuyền trồi lên bắn lại với những tay súng đứng nằm trên gờ tàu lớn. Cách tôi ba bốn mét, giữa những cơn sóng xô dạt dào là người thuyền trưởng trồi lên hụp xuống như một con rái cá với cây Ak khạc ba viên một ba viên một. Tôi hoa mắt thật sự ! Cả quãng đời niên thiếu phá phách ngang tàng của tôi, cả những năm hoạt động chống đối chính quyền cộng sản, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ phải chứng kiến cảnh tượng bi hùng và tận cùng đau thương thảm khốc đến thế này !
Tôi là người nhát nước. Mệnh thổ có lẽ hầu hết đều nhát nước. Bị hai lần suýt chết đuối , khả năng chiến đấu dưới nước của tôi trở nên cực kỳ tệ hại. Thuyền đang dần chìm ! Tiếng súng vẫn còn săn nhau từ cả hai hướng. Bỗng một thân hình vọt cửa cabine tàu cướp phóng xuống biển hướng về phía tôi. Duyên ! Miệng Duyên đầy máu, phun phì phì trên mặt nước biển. Cổ Duyên cuốn một sợi dây thừng kéo theo can nước trống rỗng ! Đạn bắn ngang bắn dọc tới tấp. Máu loang khắp chung quanh người Duyên. Tôi cố nhoài người về phía Duyên thì Hòa xuất hiện. Hòa sải về phía Duyên, kéo Duyên lại gần tôi rồi lặn mất.
Chỉ chừng phút sau, ba tiếng lựu đạn ầm ầm ầm nổ tan tành chiếc ca bin tàu lớn, lửa bùng lên dữ dội cho tôi kịp nhìn thấy Hòa từ từ nghiêng người trên mạn tàu cướp rồi đổ ngang thân xuống biển. Duyên hụp lặn bên tôi, cuốn được chiếc dây thừng vào cổ tôi rồi chìm nghỉm. Tôi há mồm quát Duyên không được chết, nhưng nước biển tọng đầy vào ổ họng tôi những lớp bọt sóng và máu của Duyên !..


***
Tôi đến chiếc xe bán bánh mỳ của Duyên ngày nào. Ngươì bán bánh nhìn tôi xa lạ. Rất khó khăn tôi mới nói ra được tên người chủ xe bánh mỳ. Cô bán bánh mặt biến sắc bảo tôi đứng coi xe, dặn tiền bánh bán ra sao và tiền thối để ở đâu. Dáng đi lấp xấp của cô cho tôi hiểu là mọi người đang vô cùng lo lắng về chuyến đi. Hôm nay là ngày 28 tháng 4. Đúng một con trăng tôi đã vĩnh biệt anh em. Một chiếc thuyền cá đã vớt tôi trên biển và đưa về U Minh khi tôi không còn biết gì cả. Chiếc bình 20 lít như một vị cứu tinh thần kỳ. Một chút nước còn sót lại và sợi dây thừng dài gần 4 mét đã giúp tôi trôi nổi trên biển. Cũng chẳng biết là mấy ngày, vì khi vớt tôi, người chủ chiếc thuyền câu bảo rằng tôi đã mê man lâu rồi. Đó là một người gốc Hoa, sợ liên lụy nên đem tôi về dấu kín, chuyển tôi về Vũng Tàu trên một chiếc thuyền buôn.
Cô bán bánh trở lại với mớ tiền và một cái bóp, có « giấy tờ» của tôi. Bảo tôi rằng Cha N. cần gặp.
Tôi rời chiếc xe bánh mỳ, lòng chập chùng tái tê. Chiếc xe chỉ tháng trước đây, là em tôi vô tư bán bán nói nói cười cười. Là em tôi với tiếng quát thảng thốt «…sống cùng sống chết cùng chết. Anh biết chưa !.. ». Vành môi ương bướng lúc cong lên lúc bậm lại run run giận dữ ! Tại sao số phận em lại nghiệt ngã đến như vậy ? Tại sao, trong những giờ hấp hối kiệt cùng, em vẫn còn nhớ rằng tôi là đứa không biết bơi lội ! Giờ này biết tìm em ở đâu bây giờ ?

Mưa rắc hạt đột ngột.Tôi đi trong cơn mưa bất thường qua cầu Sài gòn. Cô đơn dâng lên đến tận cùng. Cuối tháng tư với những lễ lạt bẩn thỉu vô nghĩa.Tôi chẳng còn khóc được nữa. Bạn thân yêu của tôi và những người đồng chí mới gặp vỏn vẹn chưa đầy một ngày ! Tất cả đã tan vào bọt sóng ! Tất cả đã chiến đấu và chết hào hùng trước một kẻ thù vô danh , bẩn thỉu và hoàn toàn bất xứng ! Lưỡi kiếm samourai đã phải dùng để giết những con gà dịch và rồi bỏ thây hiệp sĩ trên biển cả lặng câm !..

…và tất cả đã chết cho tôi được còn sống ! Tôi sống làm gì nhỉ ? Tôi chỉ là thằng đàn ông đốn mạt và hèn hạ, hưởng hồng ân bố thí của những người đồng chí đã chết ! Trong đó, có những người đàn bà liễu yếu đào tơ, chưa bao giờ biết đòi hỏi nơi tôi bất kỳ một điều gì, bất kỳ một thứ gì.


Paris 29.4.2014.
( một kỷ niệm chôn vùi …)
nguồn :phương bích

đọc thêm :con sóng dữ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

bạn xem bài đăng có quyền nhận xét theo suy nghĩ của bạn .( lê Mạnh )