Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014
Ngoài sức tưởng tượng: Dân góp tiền làm đường, chính quyền xã phá
(ĐSPL) - PV báo Đời sống và Pháp luật vừa nhận được thông tin của một số hộ dân tại khu tiểu thủ công nghiệp Bến Dốc, thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội phản ánh về một vụ việc chưa từng có tiền lệ.
Theo đó, hơn 160m đường bê tông được người dân tự bỏ tiền xây dựng khang trang để phục vụ việc đi lại và kinh doanh đã bị chính quyền cho xe ủi "xóa sổ". Lý do được đưa ra cũng vô cùng đơn giản, chỉ bởi các hộ dân này không xin phép UBND xã trước khi làm đường?!
Cưỡng chế phá bỏ vì... "không xin phép"?
Nhận được tin tức phản ánh của người dân, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm về thôn Hữu Lê để tìm hiểu sự việc. Theo quan sát, con đường dài 160m, nối từ khu tiểu thủ công nghiệp Bến Dốc đến tuyến đường trục chính của xã đã bị xới tung, với hàng khối bê tông để ngổn ngang, trơ lại một đoạn đường đất nhấp nhô đầy bùn đất. Đây là con đường cụt, nơi dẫn vào một khu dân cư đông đúc cùng với hàng chục nhà máy sản xuất bao bì, khung cửa, sắt thép... Trải qua thời gian, do không được tu bổ thường xuyên nên con đường ngày càng lầy lội.
Những mảng bê tông nằm ngổn ngang tại hiện trường.
Từ thực tế đó, trước dịp Tết Nguyên đán 2014, các hộ dân tại đây cùng với các doanh nghiệp đã góp số tiền lên đến 200 triệu đồng để kiên cố hóa con đường bằng việc đổ bê tông, mục đích là để phục vụ đời sống dân sinh, sau là tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất. Sau khi bàn thảo, các hộ dân và doanh nghiệp nơi đây đã đem ý tưởng xây dựng con đường trao đổi với lãnh đạo thôn Hữu Lê và các hộ dân và nhận được sự đồng thuận.
"Chúng tôi nghĩ đơn giản rằng, Nhà nước đang khuyến khích xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa đường làng ngõ xóm nên đóng góp tiền xây dựng. Nghĩ đơn giản là thời gian giáp Tết, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nên tranh thủ thời điểm Tết là tiến hành", một người dân cho biết.
Tuy nhiên, ngày 29/8/2014, UBND xã Hữu Hòa đã huy động máy ủi đến phá con đường bê tông nói trên.
Phạt tiền người tham gia làm đường(!)
PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc làm việc với ông Đào Bá Nguyên, Phó Chủ tịch xã Hữu Hòa để tìm hiểu vụ việc. Theo ông Nguyên, các hộ dân và doanh nghiệp làm đường bê tông có báo với trưởng thôn nhưng không báo với chính quyền xã. Xã chưa cấp phép nên hành vi trên là vi phạm pháp luật. Do đó, xã buộc phải tiến hành cưỡng chế. Việc cưỡng chế trên của xã không phải một mình xã quyết mà có sự chỉ đạo của Đảng ủy huyện Thanh Trì, UBND huyện Thanh Trì.
Cũng theo hồ sơ vụ việc mà chúng tôi tiếp cận được, để tiến hành cưỡng chế và phạt hành chính đối với các hộ dân và doanh nghiệp tham gia góp tiền làm đường thì UBND xã đã căn cứ vào luật Xây dựng năm 2003; Nghị định số 180/2007/NĐ- CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và căn cứ Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở...
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Duy Hùng, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc áp dụng theo tính chất vụ việc tương tự như trên của chính quyền địa phương là cứng nhắc và không thực sự thuyết phục. Trong trường hợp trên, nếu xử lý mạnh thì các hộ dân trên chỉ bị phạt về hành vi xây dựng trái phép chứ việc tháo dỡ công trình là ngoài sức tưởng tượng.
Trước hết, 200 triệu đồng dân tự đóng góp là cả công sức mồ hôi nước mắt của dân cần được tôn trọng. Thứ hai, đường này đã có từ năm 1990 và được sử dụng lâu dài, vì thế việc tôn tạo đường ngõ vào khu dân cư như trên là làm cho đường sạch hơn, đẹp hơn chứ không phải là hành vi xây dựng trái phép trên đất công, lấn chiếm mà buộc phải tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Hơn nữa, trong luật cũng không có quy định nếu công trình xây dựng chưa được cấp phép là buộc phải tháo dỡ mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Chính quyền xử lý như trên là cứng nhắc.
Vụ hỏa hoạn và ước muốn có một con đường
Cách đây hai năm, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại xưởng chế biến, sản xuất bao bì, thùng cát tông ở khu dân cư này. Đám cháy bùng lên, thiêu rụi toàn bộ khu nhà xưởng, thiệt hại hàng chục tỉ đồng nhưng xe cứu hỏa rất khó khăn để tiếp cận được. Cũng do con đường quá hẹp và lầy lội, xe cứu hỏa phải mất nhiều thời gian mới tiếp cận được đám cháy.
T.P - A.Đ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
bạn xem bài đăng có quyền nhận xét theo suy nghĩ của bạn .( lê Mạnh )