Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

192 HOURS GIÀNH GIẬT SỰ SỐNG TỪ CHUYẾN BAY ĐỊNH MỆNH

Tác giả: Annette Herfkens
Dịch giả: An Điền
nguồn thanh niên online
Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 1: Tìm chồng trên đỉnh Ô Kha
                                                                                                                       13/08/2014 09:00
Vừa qua, Thanh Niên đã trích đăng cuốn 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh của tác giả Annette Herfkens, người duy nhất may mắn sống sót trên chuyến bay VN-474 của Vietnam Airlines bị rơi ở thung lũng Ô Kha (Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Gần 22 năm sau tai nạn, hôm nay, bà Herfkens trở về Ô Kha. Cũng chừng ấy năm, những ký ức tang tóc và kinh hoàng của những người VN có người thân trên 2 chuyến bay định mệnh rơi tại đây chỉ trong vòng 8 ngày vẫn đeo đuổi, lởn vởn. Địa danh Ô Kha, thung lũng chết với bao ký ức như hiện ra.


Bà Bích về lại Ô Kha trong năm 2012 - Ảnh: Trung Hiếu
Chưa bao giờ bà Trần Thị Bích nghĩ rằng ngày 14.11.1992 bà phải vĩnh biệt người chồng thân yêu của mình.
Tìm chồng mất tích, suýt chết cùng trực thăng Mi-8
Ông Huỳnh Kim Thuận - chồng bà Bích - vốn là thông dịch viên giỏi 3 thứ tiếng: Anh - Pháp - Trung. Ngày 14.11.1992, ông Thuận từ TP.HCM đáp máy bay đi Nha Trang để chuẩn bị cho việc xúc tiến một nhà đầu tư ở Pháp gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Khoảng 9 - 10 giờ sáng hôm ấy, bà Bích được người trợ lý của chồng thông báo qua điện thoại: “Có phải anh Thuận hôm nay đi Nha Trang không? Chị biết tin tức gì chưa? Chiếc máy bay đó mất tích rồi”. Lúc ấy, thông tin ban đầu là chiếc Yak 40 bị rơi ở biển khi bay gần tới Nha Trang. Dù bấn loạn nhưng bà vẫn le lói chút hy vọng mong manh về sự sống của chồng.
Ngày 22.11.1992, tức 8 ngày sau khi chuyến bay VN-474 gặp nạn, một trực thăng Mi-8 của quân đội được huy động từ Hà Nội chở theo lực lượng cứu nạn chuyến bay VN-474 lại tiếp tục gặp nạn gần vùng núi Ô Kha làm chết 7 người trên máy bay.
Một tuần sau, ngày 20.11.1992, Tổng công ty hàng không tổ chức xe đưa người thân của các nạn nhân đến Nha Trang. Tuy nhiên, do quá sốt ruột, bà Bích đã mua vé máy bay để ra Nha Trang trong sớm hôm đó. Tại đây, bà Bích hay tin sẽ có một chiếc trực thăng khởi hành lúc 10 giờ để bay vào Ô Kha, bà Bích chạy tới gặp một người trong sở chỉ huy tìm kiếm xin đi cùng. Ban đầu không ai đồng ý nhưng thấy bà quyết tâm nên cuối cùng cũng phải xiêu lòng.
“Họ bảo giờ thời tiết xấu chưa thể bay vào được. Chị cứ về nghỉ ngơi đi, khi nào bay chúng tôi sẽ gọi”, bà Bích nói. Đến quá trưa, giật mình tỉnh giấc, bà Bích chạy ra sân bay thì nghe tin chiếc trực thăng đã đi rồi. Bà Bích gặp người đã hứa cho bà bay cùng, chất vấn: “Sao các anh đã hứa cho tôi đi rồi lại nuốt lời?”. “May mà tôi không cho chị đi chứ nếu cho bây giờ không biết báo với cấp trên ra sao đây. Chiếc trực thăng bay vào Ô Kha cũng mất tích rồi chị à”, vị này rầu rĩ nói.
Chiếc sơ mi trắng, hiệu Tailor Thắng



Người địa phương dẫn bà Bích vào Ô Kha - Ảnh: T.L



Bà Bích tìm lại được chiếc áo sơ mi mà ông Thuận mặc vào ngày bị tai nạn - Ảnh: T.L
Nghe xong, mọi manh mối để vào Ô Kha dường như đóng lại đối với bà Bích. Tuy nhiên, lúc này một người quen giới thiệu cho bà một vị giám đốc có nhân viên tử nạn trên chuyến bay. Tìm đến nhà, vị giám đốc này dẫu không tin bà đủ sức leo tới đỉnh Ô Kha nhưng vẫn tận tình chỉ đường. “Từ Nha Trang đi xe đò vào Cam Ranh, rồi từ Cam Ranh đi lên Khánh Sơn, từ đây sẽ bắt xe ôm để tới xã Tô Hạp với đường đi dốc núi cheo leo, nơi có đỉnh núi Ô Kha cao hơn 1.500 m”, bà Bích nhớ lại. Thêm một thông tin dẫu sau này xác minh là thất thiệt nhưng lúc đó tiếp sức rất lớn để bà Bích tìm mọi cách vào Ô Kha. “Đó là có 16 người thoát nạn và đang tìm đường từ Ô Kha trở ra”, bà Bích kể. Lên tới xã Tô Hạp - nơi sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đóng ở chân núi Ô Kha, bà Bích gặp lãnh đạo sở chỉ huy bày tỏ nguyện vọng lên Ô Kha tìm chồng. Ban đầu mọi người không đồng tình nhưng thấy bà cương quyết cũng xuôi lòng để bà đi với điều kiện “không được tiết lộ đây là người thân của nạn nhân”.
Đúng 3 giờ sáng, đoàn khởi hành đi lên đỉnh Ô Kha. Ngoài dân quân và người địa phương còn có thêm 200 bộ đội đi theo để đưa thi thể xuống. Khoảng 8 giờ sáng, đoàn tìm kiếm tới nơi máy bay rơi. Tại đây cả một khoảng đồi xanh bao la bị cánh máy bay san bằng. Thân máy bay bị “búng” sang một ngọn đồi khác cách đó chừng 800 m. Sang tới nơi, bà Bích trông thấy hàng chục thi thể nằm la liệt. Do để ngoài trời lâu nên các thi thể bắt đầu thối rữa, nặng mùi.
Do thi thể đã được bọc vải và ni lông nên bà Bích không thể phát hiện đâu là thi thể chồng. Lúc này, bà Bích thắp một nén hương, cắm xuống đất và khấn: “Cho tới giờ phút này chưa có dấu hiệu nào cho thấy anh đã chết. Nếu thực sự anh đã chết anh phải cho em biết, còn không em sẽ không sống nổi”. Bà Bích kể khi bà vừa khấn xong, giống như ai dùng tay hất mặt bà quay sang một bên. Bỗng nhiên bà trông thấy bọc kính mà chồng bà hay mang như ai tung lên trời. Rồi bà thấy một đường mòn dẫn tới một cái vực. Nhìn xuống vực, có một đống quần áo, trong đó lòi ra chiếc áo sơ mi trắng sọc xanh dương mà chồng bà mặc ngày đi Nha Trang. “Lúc đó thường đàn ông mặc áo sơ mi trắng nhưng nếu trên cổ áo ghi tên hiệu Tailor Thắng, số 57 Lê Thánh Tôn thì chắc chắn là áo của chồng tôi. Ảnh chỉ có mặc quần áo mà tiệm này may”, bà Bích nói.
Sự thật đau đớn chợt vỡ ra, khi bà Bích kéo chiếc áo lên, dòng chữ Tailor Thắng, số 57 Lê Thánh Tôn trên cổ áo dần hiện ra. Lúc này bà mới tin rằng chồng mình đã mất.
Cơ duyên
Bà Bích kể năm 2012, khi thấy bà Annette Herfkens trên các kênh nước ngoài, bà đã lên Facebook để liên lạc với bà Annette nhưng không được hồi âm. Sau khi đi Ô Kha lần thứ 2 về, bà Bích liên lạc với bà Annette và kể câu chuyện mất chồng của mình cho Annette nghe. Từ đó, hai người thường xuyên trao đổi với nhau qua email và điện thoại. Năm 2013, nhân dịp ra nước ngoài, bà Bích đã tới nhà bà Annette ở New York.

Chuyến bay kinh hoàng
Ngày 14.11.1992, chiếc máy bay Yak 40 mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines chở 33 người rời TP.HCM bay tới Nha Trang. Hai hành khách Annette Herfkens (người Hà Lan) và chồng sắp cưới Willem van der Pas không ngờ khoảnh khắc định mệnh sau đó sẽ chia cắt họ vĩnh viễn.




Tác giả Annette Herfkens, người sống sót duy nhất sau chuyến bay
định mệnh - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyến bay rơi xuống núi Ô Kha, tỉnh Khánh Hòa. Willem van der Pas cùng các hành khách và phi hành đoàn tử nạn. Chỉ duy nhất Annette Herfkens sống sót. Trong cuốn sách của mình, Annette đã mô tả chân thực và sống động cách thức để sinh tồn trong hơn 8 ngày (192 giờ) đơn độc giữa khu rừng hoang. Thanh Niên trích đăng một phần quyển sách.
- Dậy thôi, em yêu! Năm giờ sáng rồi, phải đi thôi! Nửa tiếng nữa là tài xế của anh sẽ đến đón.
Năm giờ sáng? Tài xế? Tài xế nào? Pasje đang nói gì vậy nhỉ? À, thì ra là cái gã tài xế cứ tò tò theo Pasje như thanh tra!
Tôi thức dậy, quờ quạng và loạng choạng, quan sát xung quanh, và nhìn thấy Pasje đứng ở cuối giường. Đây là lần đầu tôi đến VN để thăm Pasje - cách tôi gọi Willem, bạn trai mình từ 13 năm nay. Pasje đến VN cách đây 6 tháng để thành lập hai chi nhánh Ngân hàng ING. Ông Hùng (1), tài xế, đón tôi tại sân bay Tân Sơn Nhất tối qua và chở chúng tôi đến khách sạn.
Pasje đưa tôi tách cà phê với nụ cười ái ngại. Anh biết tỏng là tôi ghét dậy sớm như thế nào. Đó là chưa kể chuyện bị lệch múi giờ. Năm giờ sáng? Nghĩ sao vậy chứ?
Khi chúng tôi đến sảnh khách sạn, ông Hùng đã có mặt ở đó, đúng giờ và kiên nhẫn. Pasje vỗ vai ông Hùng thân mật. Thật lạ khi thấy Pasje rất thoải mái trong một môi trường hoàn toàn xa lạ với tôi. Trông Pasje cứ như đang ở nhà, và chuyện tôi có mặt ở VN hình như không liên quan gì đến sự thoải mái của anh. Nó làm tôi cảm thấy lạc lõng. Tôi đang ghen chăng?
Cuối cùng thì chúng tôi cũng lên đường, từ một sân bay kiểu thập niên 1960. Khi chúng tôi dừng trước cửa máy bay, tim tôi như ngừng đập. Không thể tin được là nó lại nhỏ như vậy.
- Em không vào đâu! Tôi kêu lên với Pasje, thảng thốt. Không thể nào em vào được. Anh biết mà!
Trái lại, Pasje rõ ràng là đã tiên liệu được phản ứng của tôi:
- Anh biết rồi. Nhưng anh biết là em làm được mà. Đây là cách duy nhất để đi tới đó.
- Anh nói vậy là sao, cách duy nhất à? Tại sao không đi xe?
- Rừng còn dày đặc và đường sá thì xấu lắm. Đi tới đó phải mất vài ngày. Đi bằng xe thì lúc đến được đó mình phải quay về ngay. Nghe anh đi mà!
“Thôi để em cố”, tôi trả lời. Buộc mình leo từng bước lên cửa sau máy bay, tôi bước vào. Suýt chút nữa là đầu tôi đã đụng trần máy bay. Tôi quay đầu lại ngay lập tức. “Cho em ra khỏi đây”, tôi nói như van nài với Pasje. Anh bước tới chặn tôi lại. Tôi thực sự hoảng sợ và đấm thùi thụi vào ngực Pasje bằng cả hai tay. “Anh nghe em, em không đi được đâu!”, tôi nói. Pasje siết chặt tay tôi và buộc tôi nhìn thẳng vào mắt anh: “Em làm được, anh biết em làm được. Chỉ cần một chút thôi, 20 phút thôi. Cho anh, cho cả chúng ta”.
Sợ chết khiếp nhưng tôi buộc mình phải quay trở lại máy bay. Không ngờ nó lại nhỏ như vậy. Tim đập thình thịch như muốn văng ra khỏi ngực, tôi rón rén theo Pasje đến ngồi ở hàng ghế thứ 3. Có 15 hàng cả thảy. Tôi ngồi cạnh lối đi. Trong máy bay chật đến nỗi nếu muốn, tôi có thể chạm vào hành khách cũng ngồi dọc lối đi bên cạnh. Tôi có thể đụng trần máy bay mà không cần duỗi thẳng tay. Đầu gối tôi thì đã chạm vào hàng ghế màu xanh phía trước. Pasje thắt dây an toàn, giống như cách ngồi trên xe hơi. Tôi không thèm làm. Ngột ngạt nhiêu đó đủ rồi. Cuối cùng thì máy bay cũng chuẩn bị cất cánh.
Thời gian cứ rờn rợn trôi qua. 20 phút rồi, chưa có dấu hiệu gì cho thấy máy bay sắp hạ cánh.
- Sao chưa hạ cánh? - tôi hỏi cô tiếp viên.
- Bởi vì thời gian bay là 55 phút, thưa cô. Cô tiếp viên trả lời với nụ cười thường trực. Tôi quay sang Pasje, anh đang cố tình lảng tránh ánh nhìn của tôi.
- Anh biết đó là cách duy nhất để em chịu lên máy bay. Pasje nói, giọng thành khẩn và hối lỗi.
Tôi muốn đứng bật dậy nhưng nhận ra làm vậy chỉ tổ bị đụng đầu. Không còn chỗ nào để mà đi, ngoài cái toilet thậm chí còn bé hơn chỗ ngồi này. Tôi nhìn đồng hồ. Tim lại đập thình thịch tới tận mang tai. Pasje xoa cánh tay tôi, nhưng tôi gạt phắt ra.
- Sao anh làm vậy với em? Tôi nói qua kẽ răng. Anh gạt em!
Nói xong tôi chỉ còn biết tập trung vào chiếc đồng hồ. Và tiếng động cơ gầm gừ.
49 phút rồi. Còn 6 phút nữa. Tôi nhìn đồng hồ liên tục. Bỗng thình lình có sự chấn động mạnh và chúng tôi như bị hút xuống. Hút xuống rất nhanh. Giờ thì Pasje đã chịu nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Anh không thích như thế này chút nào. Pasje nói đầy căng thẳng.
- Dĩ nhiên rồi, cái thứ đồ chơi nhỏ xíu như thế này thì khi rơi phải như vậy chứ. Tôi trả lời. Rồi tôi nhẹ nhàng trấn an, khi nhìn thấy ánh sợ rất rõ trong mắt Pasje.
- Chỉ là do đi vào vùng nhiễu động thôi, anh đừng lo!
Máy bay lại va chạm mạnh vào một cái gì đó thêm lần nữa và rơi nhanh hơn. Nhiều người hét lên. Pasje bấu lấy tay tôi. Tôi cũng nắm chặt tay anh.
Bóng đen bao trùm.



- Kỳ 2: Tỉnh dậy giữa những xác người
Khi đích đến chỉ chưa đầy 20 dặm (32 km - TN), tai nạn máy bay ập đến và cướp đi sinh mạng người chồng sắp cưới của Annette Herfkens, bỏ lại bà trơ trọi giữa cuộc đời. Annette Herfkens bắt đầu chuỗi 8 ngày trong rừng hoang, bên cạnh những thi thể im lìm.



Báo chí thời điểm đó đưa thông tin liên tục về vụ rớt máy bay - Ảnh: T.L

Tôi giật mình tỉnh dậy giữa những âm thanh lạ lẫm của khu rừng. Cây rừng hiện lên trong mắt tôi qua những khoảng trống khổng lồ trước thân máy bay. Buồng lái tan nát. Mọi thứ bất động rợn người nhưng ồn ào kỳ lạ.
Tôi vẫn còn trong máy bay, kẹt dưới thân ghế và bị một xác chết đè lên. Tôi cố gắng đẩy thi thể đó ra, nhưng bất lực. Từ dưới thân ghế tôi duỗi chân ra, tưởng chừng như đang xé toạc chúng. Khi đó, tôi nhìn thấy Pasje dọc lối đi. Anh nằm trên ghế, bật ngược ra sau. Nụ cười vẫn trên môi anh. Nụ cười mỉm thật dịu dàng. Pasje chết rồi.
Chắc hẳn phải có chấn động gì lớn lắm bởi vì bất thình lình tôi lọt ra khỏi khoang máy bay và ngồi lọt thỏm giữa khu rừng, trên muôn vàn cành cây nhỏ. Tôi không nhúc nhích được, đau đớn khắp người. Tôi nhìn xuống cặp chân trần. Chiếc váy đắp không còn nữa. Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất phải nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt. Mọi suy nghĩ tuôn ra cùng một lúc và chỉ xoay vần quanh những câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Tôi đang ở đâu thế này?
Tôi nhìn quanh. Mình đang ngồi trên dốc núi, dưới nhiều bụi cây thấp ken dày. Mảnh vỡ máy bay vương vãi khắp nơi. Máy bay gãy cánh. Buồng lái nát bét. Một thực tế kỳ dị và hư ảo. Vài người nằm vất vưởng trên dốc núi, dưới đống đổ vỡ. Có tiếng kêu cứu của vài hành khách từ trong máy bay. Tầm 3 m bên phía tay phải tôi, một cô gái người Việt đang rên rỉ thảm thiết. Cao hơn một chút là thi thể bất động của một người đàn ông. Bất thình lình tôi nhận ra mình đang ngồi cạnh một ai đó - một người đàn ông Việt Nam. Vẫn còn sống và đang nói chuyện với tôi:
- Cô đừng lo, sẽ có người đến cứu chúng ta!
Cũng bất thình lình tôi nhận ra mình đang ngồi với độc nhất chiếc quần lót. Tôi ngượng ngùng nhìn xuống chân, nhìn xương mình phơi lồ lộ qua từng thớ thịt. Người đàn ông Việt Nam mở chiếc va li ông đang bấu chặt lấy như chính mạng sống của mình, lấy ra chiếc quần dài đưa cho tôi. Nó làm bằng vải polyester, tôi không cưỡng được ý nghĩ này, nhưng cũng không quên cám ơn ông rối rít. Tuy nhiên khi kéo quần tới hông, tôi chợt nhận ra có một cái gì cực kỳ không ổn đang diễn ra. Một cơn đau khủng khiếp khiến tôi ngừng thở. Xương mông tôi như bị nghiến lại. Tuy vậy, tôi vẫn cố giữ tư cách trước mặt người lạ, dù là trong hoàn cảnh này. Cắn chặt răng, tôi chậm rãi trong vật vã kéo chiếc quần qua khỏi hông, nhanh chóng kéo khóa quần lại và một lần nữa, cám ơn người đàn ông kia. Ông ấy mỉm cười: “Tôi là người quan trọng nên thể nào họ cũng đến cứu tôi”.
“Phải rồi!”, tôi trả lời. Và thực lòng mong như vậy. Quả thực tôi cũng thấy an lòng từ những lời trấn an, và từ chính sự hiện diện của người đàn ông này. Sau đó, mạnh ai người ấy thu mình vào vết thương của mình. Một vài tiếng sau đó chúng tôi có nói chuyện vài lần, và đều do tôi bắt chuyện. Nhưng khi nào đội cứu hộ mới tới? Tôi thấy rất rõ là người đàn ông bên cạnh đang yếu dần đi.
- Đừng chết, đừng chết mà! - Tôi nói như van với ông ta - Tìm một chút nước đi!
- Tôi có nước rồi - Ông trả lời, nhưng hết sức thều thào.
“À, vậy thì tốt”, tôi nghĩ. Miệng tôi khô đắng, và tệ hơn, vừa hôi vừa nhớp nháp.
- Cho tôi xin miếng nước nhé? - Tôi hỏi.
Người đàn ông nhắm mắt, và cái chết dường như đang đến mỗi lúc một rõ ràng hơn với ông. Tôi khẩn thiết van nài:
- Đừng chết và đừng bỏ tôi, làm ơn đi mà!
Tôi hầu như thét lên. Nhưng hơi thở của ông mỗi lúc mỗi nhọc nhằn. Tôi cảm nhận rất rõ sự sống đang dần lìa khỏi ông. Ông trút hơi thở cuối cùng. Và ra đi. Cô gái người Việt bên cạnh tôi, trước đó ít phút còn rên rỉ thảm thiết, bây giờ cũng im bặt. Xung quanh im lặng đến tê dại. Mọi thứ bất động đến rợn người.
Không còn ai sống sót.
YAK - Chiếc máy bay định mệnh
Chiếc Yak, viết đầy đủ là Yakovlev 40, là máy bay chở khách tầm ngắn, nhỏ, ba động cơ, được hãng hàng không Nga Aeroflot đưa vào sử dụng từ tháng 9.1968. Yak 40 tương đương với chiếc Boeing 727, có tốc độ bay ở độ cao bình thường là 341 dặm (550 km) một giờ.
Chuyến bay mang số hiệu VN474 chở 24 hành khách, 3 tiếp viên, 2 phi công và 1 kỹ sư. Theo hồ sơ do Vietnam Airlines cung cấp, thời tiết buổi sáng 14.11.1992 thay đổi đột ngột, tạo ra nhiễu động dữ dội. Phi hành đoàn rất khó khăn để điều khiển chiếc máy bay.
VN474 đang bay ở tốc độ 300 dặm một giờ thì đâm vào đỉnh núi. Pasje tử nạn vì xương sườn của anh đâm sâu vào trong phổi, trong khi tôi bật ra khỏi ghế của mình. Tôi ngã nháo nhào ngay trong khoang hành khách, như bộ quần áo lẻ loi bị bỏ trong máy sấy. Chúng tôi còn cách đích đến Nha Trang 19 dặm, và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm.

- Kỳ 3: Chờ đợi trong đau đớn
Ngày đầu tiên lạc lõng giữa rừng Ô Kha (Khánh Hòa), nỗi đau thể xác tra tấn Annette Herfkens từng phút một. Trong từng thời khắc đớn đau đó, hình ảnh của người chồng sắp cưới - vừa qua đời ngay trước mắt bà - cứ như vẫn quanh đây. Nỗi đau cứ không ngừng quặn thắt thêm...



Tác giả Annette Herfkens hiện nay - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mọi người chết hết rồi. Còn tôi vẫn ngồi đây. Một mình. Giữa rừng. Tôi đảo mắt nhìn. Chỉ thấy lá, máy bay vỡ, và xác người. Tôi lắng nghe hơi thở của mình, thật nhọc nhằn như chính tôi đang cảm nhận. Ngực thì cứ đau. Đau lắm! Nhưng tôi vẫn đang thở. Rất rõ và rất to!
Tôi lại quan sát mọi vật: âm thanh, khu rừng, lá cây, máy bay, và lại xác người. Tôi nhích người một chút. Lại đau, lần này ở hông. Sao cái gì cũng đau hết thế này! Chúa ơi, xin người hãy giúp con. Hãy giúp con!
Trán tôi đau như thể đang có ai lấy búa nện vào đầu. Chân hầu như không nhúc nhích được. Chúng cứng đơ và bất động. Tôi nhìn vào đôi tay. Đầy máu. Có hai vết thương mở gần cùi chỏ phải. Có vẻ khá lành. Nhưng khi thử sượt ngón tay lên đó, tôi chỉ muốn thét lên.
Tôi lại cố nhìn vào cảnh vật xung quanh. Tập trung vào lá cây. Vào máy bay vỡ. Vào những xác người. Cô gái người Việt chết với nắm tay còn khép chặt. Người đàn ông cạnh tôi trông cứ như đang ngủ thật an lành với nụ cười ngọt ngào. Như Pasje. Không, không được nghĩ đến Pasje. Không được nghĩ đến Pasje. Tôi lại nhìn người đàn ông đó. Ông không có gì là sợ hãi cả, chỉ là chết mà thôi. Tôi biết người chết thì trông như thế nào. Tôi nghĩ về những xác chết mình đã thấy. Bạn chỉ cần nhìn một người chết thôi để đơn giản biết rằng chết là chết. Họ không sợ bất cứ cái gì, và cũng chẳng có gì để mà sợ cả.
Tôi nhìn bầu trời qua tán cây. Trời đầy mây nhưng không có vẻ gì là sắp mưa cả. Tôi không biết mình đang ở đâu. Chỉ biết rừng là vô tận. Và tôi cũng không thấy chiếc máy bay nào khác. Chiếc kế tiếp đâu? Nó phải phát hiện ra chúng tôi chứ? Hình như tôi đang ở tận trên núi. Đâu ai biết là bao xa, tính từ cột mốc nào? Tôi thậm chí còn chưa xem bản đồ! Tôi không biết mình đã bay theo hướng nào. Pasje chính là cái la bàn của tôi. Trời ơi, đừng nghĩ đến Pasje nữa mà!
Tôi nhìn ánh mặt trời qua kẽ lá. Màu của ánh sáng và bóng râm thật đẹp. Từng chiếc lá như tỏa sáng lộng lẫy. Mẹ tôi mà có mặt ở đây thì hẳn bà sẽ thích cảnh vật xung quanh lắm. Mẹ tôi luôn nói là bà không phải lo nghĩ gì cho tôi mỗi khi Pasje ở bên tôi. Bà tin là tôi luôn bình an bởi vì có Pasje ở bên cạnh. Pasje là một người đàn ông mà… Lại nữa rồi. Không được nghĩ tới Pasje, không được nghĩ tới Pasje!
Tôi nhìn xuống chân. Chân tôi sưng vù hết rồi, sưng nhiều quá. Đôi giày ưa thích màu xanh xám da cá sấu đang cứa vào các thớ thịt mà bây giờ trông cứ như không còn là của tôi nữa. Tôi chụp lấy túi xách. Lạ kỳ là nó vẫn còn ở đây. Tôi kiểm tra lại trong túi thì không còn gì đáng kể ngoài những thông tin du lịch hết sức cơ bản. Không có bóp ở đây, Pasje giữ tiền rồi. Đồng hồ cũng không, vì Pasje giữ. Đừng nghĩ đến Pasje nữa.
Tôi vẫn hy vọng những gì người đàn ông Việt Nam kia nói là đúng. Sẽ có người đến cứu ông ta sớm, và trong hoàn cảnh này, đến cứu tôi sớm. Còn từ bây giờ cho tới thứ tư, sẽ chẳng có ai nhớ tới tôi. Hôm nay là thứ bảy. Thứ bảy. Chủ nhật. Thứ hai. Thứ ba. Còn 4 ngày nữa mới tới thứ tư. Tôi cũng không biết làm sao quay trở lại phần chính của máy bay, nơi có những xác người đang nằm la liệt, để tìm đồ ăn và thức uống. Tôi còn không dám nhìn xuống vai mình. Tôi chỉ có thể ở yên một chỗ, nhìn xuống sườn núi, tự nhủ với mình rằng tất cả đang diễn ra không phải là mơ. Đây là nơi tôi đang ở. Tôi không có một giọt nước.
Miệng tôi khô đắng. Khô lắm. Để bớt lạt và khô miệng, tôi định hút thuốc. Nhưng không có đồ ăn và thức uống lúc này, tôi quyết định đây cũng là lúc mình bỏ thuốc. Pasje chắc sẽ tự hào về quyết định này của tôi lắm. Chắc anh không tin đâu. Không được nghĩ đến Pasje!
Mặt trời lặn dần. Rơi vào một cõi nào đó. Tôi không còn nhìn thấy mặt trời qua những tán cây nữa. Trời sụp tối rất nhanh. Tôi nhìn đồng hồ: đã 6 giờ chiều. Tới giờ đi ngủ rồi sao? Chắc đành vậy. Tôi không thấy sợ, cũng chưa kịp hiểu tại sao.
Tôi chưa bao giờ trơ trọi một mình như vậy.

- Kỳ 4: Cơn mưa ân phúc
Tôi choàng tỉnh lúc ánh nắng đang rọi vào. Và tôi mở mắt để chứng kiến thực tế lạ lùng nhất trong đời. Cây mọc ken dày xung quanh. Lũ côn trùng bò lổn ngổn đến sởn gai ốc.


Tác giả Annette Herfkens (trái) và con gái trong một buổi ra mắt sách tại Mỹ
- Ảnh: Nhân vật cung cấp

Và những âm thanh. Và cơn khát. Cơn khát bủa vây choáng ngợp. Tôi cố di chuyển. Đau quá. Tôi cố ngồi dậy, nhưng không tài nào được. Hông tôi như có ai đốt.
Nhìn xa hơn về bên phải, thi thể cô gái người Việt vẫn ở đó. Tóc cô ấy lấp lánh dưới ánh nắng. Tôi đảo mắt. Bên dưới nữa là cánh máy bay. Mọi thứ được tua lại trong đầu tôi. Tôi đang ở Việt Nam. Đi nghỉ. Với Pasje. Pasje đâu? Anh chết rồi. Chết thật rồi. Pasje của tôi. Không còn nữa. Tôi thấy anh. Anh đã chết… Và sau đó? Tôi đã làm gì? Bằng cách nào tôi ra khỏi máy bay? Tôi không nhớ nổi. Nhưng tôi nhớ rõ mọi thứ về Pasje. Anh đã chết. Kẹt trong ghế. Nở nụ cười. Như một xác ướp ngọt ngào. Tôi bắt đầu hoảng sợ. Cứu! Ai cứu tôi với!
Tôi gục đầu, cố thư giãn, còn mắt thì nhìn trừng trừng vào những chiếc lá. Cơn đau cứ đến rồi đi như những đợt sóng trào. Tôi nheo mắt, nghịch với ánh mặt trời bằng hàng mi. Đẹp làm sao. Từng tia nắng như được chắt lọc, thắp sáng từng giọt sương trên lá. Tôi lắng tai nghe những âm thanh chộn rộn trong khu rừng. Từng âm thanh như thi nhau lên tiếng.
Tôi nhìn xuống tay. Cái gì màu đen tròn tròn trên đó vậy? Nấm vảy à? Ôi Chúa ơi, mấy con đỉa! Tôi chà xát lưng hai bàn tay lại, nhưng bọn đỉa vẫn ở lì đó. Đừng nhìn chúng, đừng nhìn chúng!
Và rồi thình lình trời đổ mưa. Mưa nặng như đấm vào người. Mưa như đánh vào vết thương. Mưa rát cả mặt khi tôi ngửa lên, há miệng hứng nước mưa. Tôi gần như khóa miệng lại, nhưng là trong sung sướng để nuốt ừng ực từng giọt nước. Mặt trời bất thình lình xuất hiện khi cơn mưa bắt đầu. Áo tôi ướt đẫm. Tôi tranh thủ vắt một chút nước. Thật khuây khỏa làm sao! Tôi sưởi ấm dưới ánh sáng run rẩy của mặt trời soi qua lá. Lạnh. Lạnh quá.
Tôi sẽ chờ đội cứu hộ một tuần nữa. Nếu đến thứ bảy này không ai tới thì tôi sẽ bò vào rừng. Cứ tính vậy đi, để sống sót cho tới thứ bảy. 6 ngày nữa.
Những xác người phân rã
Khi tôi giật mình thức dậy, trời lại sáng. Và mưa! Tôi khát nước quá. Nên cứ thè lưỡi ra. Cũng đỡ được một chút. Tôi mở miệng rộng tối đa có thể. Và cứ nhấm nháp bất cứ giọt nhỏ nào rơi vào. Mưa tạnh, mặt trời lên. Đối với người Hà Lan, đó là tín hiệu tốt lành, trong mọi hoàn cảnh.
ôi nhìn đồng hồ. 7 giờ sáng. Tôi lại nhìn người đàn ông vắn số. Tôi không có ý nhìn ông ta, chỉ là vì ông nằm đó, ngay bên cạnh tôi. Ê, có cái gì trắng đang động đậy từ khóe mắt của ông ta. “Sâu trắng” à? Dĩ nhiên rồi. Tới lúc này thì xác ông ta phải bắt đầu phân hủy. Ở những nơi nóng và ẩm ướt thế này thì phân hủy còn nhanh hơn. Phân hủy à? Ôi Chúa ơi, tôi rùng mình khi nghĩ đến đó và khẽ liếc mắt nhìn lại. Tôi vẫn thấy chúng và bây giờ đã có thể gọi chính xác tên của những con “sâu trắng” kia: giòi! Lúc nhúc trên thi thể người đàn ông! Cái mùi tôi ngửi được nãy giờ chính là cái mùi này đây. Mùi thối rữa! Cái mùi thối rữa càng ngửi càng chỉ muốn đổ bệnh. Tôi cố lết đi nơi khác. Và cơn đau ở hông lại nhói lên dữ dội! Tôi nhìn kỹ hai tay mình: không có giòi. Chỉ có lũ đỉa đang say sưa hút máu. Bình tĩnh lại. Đừng nhìn.
Tôi hít thở sâu. Và thấy mọi việc đang diễn ra hợp lý. Đây là rừng xanh. Như một cái tử cung khổng lồ sản sinh tất cả muôn loài. Hết sức tự nhiên thôi. Tự nhiên. Sinh và tái sinh. Vòng luân hồi của cuộc đời. Sự tươi đẹp của cuộc đời. Đừng nhìn lũ giòi nữa. Hãy tận hưởng vẻ đẹp của khu rừng đi. Tôi nhìn cây và lá. Nhìn cứ như thể là mình đang hít thật sâu sự tinh túy của chúng chứ không phải là cái mùi kinh khủng kia. Có hiệu quả. Bình tĩnh lại.
Tôi quyết định đã đến lúc không thể ở gần cái xác đang phân hủy của người đàn ông này nữa. Tôi di chuyển bằng cùi chỏ. Đau thấu xương. Cùi chỏ phải tôi có vết thương mở rất to. Nhất cử nhất động, tôi đều có cảm giác như những nhánh cây khô và cả bụi nữa đều đang cứa vào thịt mình. Nhưng tôi đâu còn lựa chọn nào khác: hông thì không thể giữ thăng bằng, chân thì gãy. Tôi phải trườn cả thân mình cùng cánh tay. Tôi “đi” qua xác người đàn ông. “Đi” qua xác cô gái, ngón tay cô không còn nắm chặt lại nữa. Mọi thứ đau cứ như là bị tra tấn ở địa ngục. Địa ngục!
Tôi tìm cho mình một điểm “an cư” mới, bên cạnh cánh máy bay. Tôi nhìn quanh. Ở đây tôi có thể nhìn mọi vật thoáng hơn. Quá nhiều thứ để chiêm ngưỡng. Bên phải tôi là dãy núi hùng vĩ. Tai nạn máy bay đã phá nát một vạt rừng, để lại những cái cây trụi lủi. Theo hướng tích cực, điều này cũng có cái lợi của riêng nó, ít nhất là cho riêng tôi. Cây mất ngọn, tạo điều kiện cho ánh mặt trời đi thẳng xuống mặt đất. Tôi sung sướng sưởi từng tia nắng đó.
Trăng mọc ngay cạnh ngọn núi. Trăng rất tròn. Có vài đám mây. Cảnh vật lúc này giống như là một bộ phim Disney. Thiên nhiên thơ mộng. Chỉ có ánh trăng. Tôi đúng là đứa con gái thành thị, chưa bao giờ được chứng kiến những cảnh như thế này.
Đến giờ ngủ rồi. Tôi chợp mắt và mơ về văn phòng. Về Ana Botin, Helen, Jaime và về thị trường chứng khoán…
Mối tình đầu của tôi
Pasje cũng học chuyên ngành luật ở Đại học Leiden và chúng tôi được kết nạp vào câu lạc bộ sinh viên cùng năm. Anh là bạn với nhóm “thanh niên nghiêm túc” nhất trong trường. Nhưng Pasje vẫn khác. Không chỉ lớn tuổi hơn, anh còn là một người đàn ông thực thụ. Đàn ông từ cách hành xử cho tới vẻ bề ngoài. Đầu tiên tôi chỉ nhắm tới Pasje như một ứng viên khả dĩ để ở chung nhà. Như đã nói, để có thể ở ghép, yêu cầu quan trọng là phải tìm được vài người trong nhóm “thanh niên nghiêm túc” học cùng khóa.
Chúng tôi không ai biết chắc người nào chủ động trước trong chuyện của hai đứa. Đứa này đổ cho đứa kia. Một buổi tối, chỉ có mình tôi và Pasje trong phòng anh. Chúng tôi trò chuyện. Tôi khăng khăng mình không biết sợ, cái gì cũng dám làm. Pasje nhìn thẳng vào mắt tôi, và bất thình lình căng thẳng ập đến. Pasje nói: “Anh biết có chuyện em chẳng dám làm”. Anh nói mà ánh mắt cứ lấp lánh hy vọng.
Vậy là tôi “dám” luôn...
Anh là mối tình đầu của tôi.


- Kỳ 5: Cơn khát và nỗi cô đơn
Thay vì cứ thụ động chờ đợi ân phúc từ những cơn mưa, người phụ nữ trẻ mỏng manh bắt đầu buộc mình phải tự vượt qua từng cơn đau cả về thể chất lẫn tinh thần, chỉ để sinh tồn giữa rừng Ô Kha (tỉnh Khánh Hòa).



Tác giả Annette Herfkens hiện nay - Ảnh: nhân vật cung cấp

Tôi choàng tỉnh trong “chỗ ở” mới. Không còn thi thể “hàng xóm” nào xung quanh. Dưới chân tôi khoảng ba mét không còn cảnh rừng trơ trọi vì máy bay rơi. Và rừng lại được là rừng. Chỗ tôi ngồi đây phải là khá cao trên núi. Nếu tự tôi leo lên đây bình thường thì phải vất vả lắm. Theo kế hoạch thì tôi còn phải đợi thêm 4 ngày nữa.
Bất chợt tôi nhận ra việc chỉ đơn thuần mình có mặt ở đây, sống sót và vẫn còn ý thức, đã quan trọng đến dường nào. Tâm trí tôi cùng lúc vừa hoang mang vừa quyết tâm. Nước! Phải rồi, tôi phải uống nước. Tôi cần nước. Tôi ngước nhìn phần cánh bị gãy của máy bay và nhận ra các thiết bị cách nhiệt đều được làm từ giấy hoặc bọt xốp. Tôi nảy ra một ý: có thể tận dụng các thiết bị cách nhiệt này như một vật xốp có thể hút nước! Phải rồi, tôi phải lấy cho được! Bằng cách nào đó, tôi buộc mình từ từ đứng dậy. Trên đôi chân gãy. Tôi với tay về cái cánh gãy. Hông tôi lại đau thấu xương. Không với nổi. Tôi tiến lại gần hơn, và thử lại lần nữa. Ngực đau như có ai đâm, nhưng tôi vẫn dùng hết sức bình sinh để chạm tới cái cánh. Cuối cùng thì tôi cũng chạm vào được các thiết bị cách nhiệt đó. Chộp lấy những mảnh nhỏ, tôi rải chúng xuống mặt đất, ngay bên cạnh chỗ tôi nằm. Cho là đã lấy đủ, tôi cố quay trở lại chỗ cũ của mình. Lần này thậm chí còn đau hơn. Khi nằm dài ra, tôi bắt đầu gom lại các mảnh xốp, nặn chúng thành 7 quả bóng nhỏ, xếp chúng ra đó, và lại chờ đợi. Đợi mưa. Khát, khát quá đi thôi. Tôi mệt kinh khủng. Chỉ cố gắng đứng trong vài phút mà bây giờ cơ thể tôi hầu như kiệt quệ. Tôi gục đầu ngủ.
Tôi lại thức giấc. Bởi vì trời mưa. Mưa như trút nước! Mưa lớn đến nỗi tôi phải giữ cái mũ trong áo choàng đi mưa của mình với cả hai tay để hứng nước, và uống ừng ực từng giọt. Ôi, ngon có khác gì rượu sâm banh! Tôi hoan hỷ nhìn từng quả bóng xốp đang thấm nước, và tự chúc mừng mình: Thành công rồi! Nhờ vậy mà mấy ngày tới tôi có thể lay lắt được đây!
Tôi nhìn vị trí của mặt trời. Mấy giờ rồi nhỉ? Không thể tin chắc về kiến thức hướng đạo sinh của mình, nhưng ít ra tôi nghĩ mình có thể biết được đã bao nhiêu tiếng trôi qua, đủ để tôi đáng được nhấm nháp một ngụm nước. Để xài tới quả bóng nhỏ bằng xốp kia. Ba tiếng một lần, tôi tự hứa với mình như vậy. Uống thôi. Tôi hút nước từ đó ra và nhấm nháp từng giọt. Hai hay ba tiếng trôi qua rồi, tôi nghĩ vậy. Tôi vắt nước từ một quả bóng khác. Chỉ là nước thôi mà sao lúc này mùi vị ngon tuyệt vời. Đáng để chờ đợi quá đi chứ!
Tôi nhìn xuống tay. Bàn tay ngọc ngà - phần duy nhất trên cơ thể mà tôi thực sự cảm thấy tự hào. Giờ đây nó đã trở thành đôi bàn tay khổng lồ. Chúng phù lên và sưng húp đến mức chiếc nhẫn của Pasje như đang cắt vào ngón tay tôi. Tôi nhìn kỹ lại đôi tay mình. Mấy con vắt khát máu đó vẫn đang tiếp tục tận hưởng. Chân tôi bây giờ cũng to lên gấp đôi. Trời đất! Tôi chỉ mang một chiếc giày. Mất chiếc còn lại khi nào vậy? Trên cái chân không giày đó bây giờ đầy vết thương. Móng chân thì tím đen lại. Tôi chờ đợi. Tôi tính thời gian và tiếp tục chờ đợi. Nhưng mình đã đợi quá lâu rồi mà! Thật là kiên nhẫn quá đi! Tôi tự cười mình, cười cái tình huống cực trớ trêu của mình. Bệnh sợ phòng kín và thiếu kiên nhẫn. Không đủ kiên nhẫn để làm bất cứ chuyện gì. Tôi nghĩ tới chuyện tắm nắng ở Madrid, nhớ về việc tôi chẳng bao giờ có thể tắm nắng trong nửa tiếng. Đối với tôi, 20 phút đã là quá lâu và tôi không thể làm gì khác ngoài việc đánh bài chuồn. Tôi chẳng bao giờ chờ cho đến lúc tóc mình được sấy khô mỗi khi đi cắt tóc với cô bạn Helen ở Jacques Desanges. Lâu lắm, không có kiên nhẫn chờ.
Vậy mà bây giờ tôi ở đây, để chịu số phận bi đát là chờ đợi và ở yên một chỗ. Thật kiên nhẫn.
Công việc mơ ước
Sau khi hoàn tất việc học hành, tôi và Pasje đến Amsterdam. Anh rể tôi giờ đã là thị trưởng thành phố này, còn chị gái tôi là nghị sĩ của The Hague. Vì công việc bận rộn, anh chị tôi không sống chung một nhà với nhau. Cũng như anh chị mình, tôi và Pasje quyết định không sống chung, mặc dù mối quan hệ của chúng tôi lúc này đã khắng khít lắm rồi.
Tôi kỳ vọng có một chân trong Ngân hàng ING. Cuối cùng cả tôi và Pasje đều được làm việc ở đó, cho dù là ở những bộ phận khác nhau. Theo thời gian, giai đoạn tập sự của chúng tôi càng lúc càng trở nên cạnh tranh gay gắt. Đã trải qua 2/3 chương trình, chúng tôi sắp được biết vị trí công tác ở nước ngoài đầu tiên của mình là ở đâu. Và mọi người ai cũng hối hả để sẵn sàng lên đường. Nơi được săn đón nhiều nhất là New York. Tôi - cũng như những người khác - đều nhận thức rất rõ là nếu tôi vượt qua chương trình này, tôi sẽ là nữ quản trị viên tập sự đầu tiên được một ngân hàng Hà Lan cử ra nước ngoài.
Tôi không tin mình xứng đáng. Nhưng thực tế thì tôi đã được đi New York.


- Kỳ 6: Thiên nhiên ảo diệu và thực tại phũ phàng

Giữa những thi thể bất động đang phân rã nơi rừng Ô Kha (tỉnh Khánh Hòa), bóng dáng của con người bất chợt xuất hiện. Có tia hy vọng nào nhen nhóm cho chuỗi ngày đấu tranh giành giật sự sống trong rừng?



Tác giả Annette Herfkens (trái) trong một lần ra mắt sách tại Mỹ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi phải đi toilet. Để bài tiết, chính xác là như vậy. Bây giờ làm sao đi được đây? Đầu tiên là phải dịch chuyển ra khỏi chỗ này, ra khỏi những quả bóng nhỏ bằng xốp thần thánh. Tôi tự lôi mình xềnh xệch lên cao. Bằng lưng. Và chỉ sử dụng cùi chỏ. Uỵch, uỵch, uỵch. Tôi hy vọng lúc trượt xuống trở lại thì sẽ bớt đau hơn là lúc này. Bây giờ tôi phải kéo cái quần mượn này xuống. Tôi mở khóa quần. Bắt đầu kéo nó xuống. Đau! Đau quá! Không thể tin được là hông lại bị đau như vậy. Tôi tính thôi không kéo nữa nhưng cái ý nghĩ phải giữ mình đúng mực ngăn lại. Không thể nào “xử” ngay trong quần mình được! Tôi bắt đầu kéo quần xuống lần nữa, chầm chậm, lần này hơi nhón hông lên. Đau dữ dội! Tôi thấy rõ từ chiếc quần tất là mình đang tới kỳ kinh nguyệt. Họa vô đơn chí.
Tôi làm những gì phải làm. Mặc dù đau thấu trời xanh. Tôi dùng lá để chùi sạch. Sống văn minh và phải trả bằng cái giá đau đớn, khổ sở nhất. Cuối cùng cũng xong. Tôi trở về chỗ cũ. Lại bằng lưng, bằng cùi chỏ. Tôi kiệt sức rồi.
Khoảng thời gian còn lại trong ngày trở thành một trải nghiệm đầy ảo diệu. Tâm trí tôi như ngừng lại. Trong khi lúc đầu tôi phải tự buộc mình tập trung vào vẻ đẹp của khu rừng, bây giờ tôi cảm nhận nó thật tự nhiên - như thể tôi đang ở trong vẻ đẹp đó. Tôi đang hòa nhập với mọi thứ xung quanh.
Một môi trường sống thoải mái và đẹp vô cùng. Đẹp đến mức, dễ chịu đến mức tôi sẵn lòng ở lại trong đó. Mãi mãi.
Người đàn ông mặc đồ da cam
Nhiều ngày đã trôi qua. Tôi không còn thấy đau nữa. Tôi vừa như thoát ra khỏi cơ thể mình vừa như rất gần với nó. Như là đã đi khỏi đây, nhưng vẫn hiện hữu nơi này. Nhưng chính vào lúc đó, bất thình lình tôi nghe tiếng gỗ rừng răng rắc. Bằng tầm mắt thường của mình, rõ ràng là tôi thấy cái gì di chuyển. Tôi quay đầu nhè nhẹ và cố tập trung đôi mắt. Là một người đàn ông. Một người đàn ông? Tôi chết rồi sao? Không, người đàn ông này là thật! Ông ta đang ở ngay đây mà! Tôi cố gắng tập trung lần nữa để nhìn cho kỹ hơn. Rõ ràng là một người đàn ông. Ở bên kia khe núi. Tôi còn nhìn rõ mặt ông ta - đang đội mũ trùm đầu. Cái mũ màu cam. Người đàn ông này mặc bộ đồ cũng màu cam. Ông ta đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi cố tìm lại giọng mình. Rồi tiếng nói phát ra, nhỏ và khào khào:
- Xin chào, làm ơn giúp tôi được không?
Tôi cố lại lần nữa. Giọng có khỏe hơn lần trước.
- Xin chào! Làm ơn giúp tôi được không?
Người đàn ông đó vẫn không hề nhúc nhích. Chỉ đứng đó, và tiếp tục nhìn tôi chằm chằm. Tôi la to hơn:
- Ông ơi! Giúp tôi! Giúp tôi!
Tôi gào càng lúc càng to hơn, nhưng ông ta vẫn cứ bất động.
- Ông không thấy là tôi cần giúp đỡ hay sao? Tôi bắt đầu nổi điên.
- Làm cái gì đi chứ, ông bị sao vậy?
Tôi kêu gào, lại tiếp tục kêu gào. Và cả chửi rủa bằng tất cả các thứ tiếng mà tôi biết. Nhưng hỡi ôi, ông ta tuyệt nhiên không hề động đậy, dù là nhúc nhích cơ bắp.
Ông ta là ai? Ông ấy muốn gì? Muốn nhìn tôi chết à?
Và sau đó, ông ta biến mất. Biến mất như bóng ma, như cái cách lúc xuất hiện. Người đàn ông đó có phải là bóng ma thật không? Hay do tôi tự tưởng tượng ra? Nhưng nếu vậy thì tại sao tôi phải tưởng tượng như vậy? Tôi đang có một cõi của riêng mình và hoàn toàn chú tâm vào thế giới đó trước khi ông ta xuất hiện kia mà. Tôi còn quá hạnh phúc trong thế giới đó nữa là đằng khác. Bây giờ đây, tôi lại trôi dần về một thế giới khác. Giờ đây, tôi lại cảm nhận rất rõ những cơn đau. Tất cả những bực dọc, bất an.
Tôi cố tập trung vào khu rừng, một lần nữa. Khi trời sập tối, tôi buộc mình đi ngủ. Cố gắng xóa bỏ hình ảnh người đàn ông khi nãy ra khỏi đầu. Có thể đó chỉ là ảo giác mà thôi.
Sự nghiệp thăng tiến
“Tôi sẽ làm cho cô khóc”, vị trưởng phòng quản lý nguồn vốn dành cho các nước kém phát triển nói với tôi như vậy khi tôi vừa chân ướt chân ráo đến New York. “Ai cũng khóc dưới tay tôi rồi. Lap vừa khóc cách đây mới một tiếng”, ông trưởng phòng ám chỉ nhân viên lão luyện người Mỹ gốc Hoa của mình.
Tôi nhìn sếp mới của mình đầy ngờ vực. Dù gì thì mình cũng đã qua hai năm thực tập sinh mà không khóc một lần. Làm sao ở đây có thể tệ hơn được. Cuối cùng tôi đã được đến nơi mình muốn, ở ngay thánh đường của phòng quản lý nguồn vốn dành cho các nước kém phát triển. Tôi có cảm giác mình như đứa trẻ được bỏ vào quầy bánh kẹo. Mọi thứ hết sức hợp với sở trường và sở nguyện mình. Kinh tế toàn cầu, nợ nước ngoài, trao đổi qua điện thoại, và chấp nhận rủi ro. Và hơn thế nữa, tôi được sống ở Amsterdam với Pasje.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm, ngân hàng quyết định chuyển bộ phận của chúng tôi đến London. Tôi yêu công việc và cuộc sống độc lập của mình ở London. Khi thị trường của chúng tôi phát triển, các khoản thưởng cũng tăng theo. Chúng tôi ngày càng thấy mình xứng đáng được ăn tại những nhà hàng sang trọng nhất, thưởng thức các loại rượu thượng hạng và ở những khách sạn xa hoa nhất.

- Kỳ 7: Được cứu mạng
Những con người khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ gặp gỡ giữa núi rừng Ô Kha (tỉnh Khánh Hòa), giữa muôn vàn nghiệt ngã. Sự khắc nghiệt của số phận đã không thể quật ngã được cô gái mỏng manh đang rạc người vì những đau thương.



Tác giả Annette Herfkens hạnh phúc với hai con - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chiều muộn, một nhóm đàn ông người Việt bất thình lình xuất hiện từ bụi rậm, mang theo những túi đen cỡ lớn. Tôi không thể tin vào mắt mình. Nhóm người này di chuyển rất có chủ đích. Một thanh niên chừng hai mươi tuổi tiến về phía tôi, tay cầm một mảnh giấy. Anh chồm người tới và cho tôi xem trong mảnh giấy viết gì. Đó là danh sách hành khách. Anh ta ra dấu, có vẻ như muốn tôi chỉ tên mình. Tôi làm theo và chỉ vào “Annette Herfkens”. Anh mỉm cười, và thưởng cho tôi một ngụm nước, đựng trong cái chai nhựa xanh nhạt, hình vuông. Không từ ngữ nào có thể diễn tả hương vị của ngụm nước ít ỏi đó. Rượu sâm banh lúc này cũng không thể so sánh. Chai nước đó mãi mãi đọng lại trong tâm trí tôi - mãi mãi.



Bà Annette Herfkens được người dân tộc Raglai (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đưa ra
khỏi hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Tư Liệu

Thêm nhiều người đàn ông khác tiến tới. Họ cho tôi vào tấm vải bạt, sau đó buộc hai đầu bằng hai cây gậy to. Hai người khiêng tôi lên vai, mỗi người một đầu. Tôi không thể tin những gì đang diễn ra. Nhóm người này bắt đầu di chuyển; và tôi treo tòn ten ở giữa. Chúng tôi đi qua xác cô gái trẻ. Đi qua ông “Numachi”. Thi thể của cả hai người này đang phân hủy và được cho vào bao tải đen. Kéo khóa lại. Bất thình lình tôi thảng thốt. Vậy Pasje thì sao? Người đàn ông của tôi thì sao? Tôi không muốn bỏ anh lại. Kể từ khi tai nạn xảy ra, đây là lần đầu tiên tôi thật sự hoảng sợ. Họ đang mang tôi đi. Khỏi Pasje của tôi. Khỏi dãy núi của tôi. Khỏi cái nơi mà tôi được bảo bọc! Tôi xin thêm nước, họ cho tôi một ngụm nhỏ. Ngụm nước đó có tác dụng như thuốc an thần.
Chúng tôi di chuyển trong rừng. Tôi nhìn thấy từng chiếc lá thật gần; ánh trời chiều làm bừng sáng từng giọt mưa. Tôi thư giãn, trong khi vẫn bị móc tòn ten trên vai của nhóm người cứu hộ. Họ đi rất khẽ khi lên xuống từng ngọn đồi nhỏ. Tính hài hước của tôi trở lại, tự hỏi: đâu phải ai cũng có đặc quyền được công kênh như thế này? Chúng tôi gặp một khe nứt sâu và phải băng qua đó. Nhóm người này xếp hàng và chuyền tôi qua từng người một. Họ cực kỳ cố gắng không làm tôi đau, nhưng thực tình tôi không thể không thét lên sau mỗi lần được “chuyển giao” như vậy. Sau đó, cả nhóm từng người một tháo giày ra. Bây giờ họ khiêng tôi còn khẽ khàng hơn trước. Tôi mỉm cười nhìn cả nhóm đầy biết ơn.
Trời bắt đầu chạng vạng. Cả nhóm ngừng lại. Cắm trại nghỉ ngơi sao? Họ nhóm lửa, đặt tôi gần đó, và treo tấm vải bạt giữa hai cây gậy, như một con heo quay. Tôi xin thêm nước nhưng lần này họ lắc đầu. Tôi xin thêm, lần này xen cả phẫn nộ, như một con nghiện: “Làm ơn cho tôi thêm nước đi!”. Một lúc sau, họ cho tôi uống nước cơm nóng. Cuối cùng thì cũng được uống! Nhưng tôi vẫn thèm đến phát điên những ngụm nước lạnh trong vắt lúc mới được cứu!
Tôi thức ngủ chập chờn. Nhóm cứu hộ, bây giờ tôi đếm rõ là có sáu người, đang ngồi tán chuyện quanh ngọn lửa. Rổn rảng bằng tiếng Việt. Trò chuyện rất to. Sau đó, cả nhóm đi vòng quanh và dạt vào trong lều. Tôi hoảng sợ, van nài họ: “Làm ơn thắp sáng lên một chút”. Nghĩ cũng lạ: cả khoảng thời gian tám ngày trong rừng một mình không biết sợ là gì, bây giờ bất thình lình tôi lại biết sợ, cái gì cũng thảng thốt. Họ cột cái đèn xách tay lên một cây gậy khác và cho thêm củi vào lửa. Sau đó cả nhóm rút vào lều. Tôi ngủ bên ngoài, treo tòn ten, như một con heo quay.
Cuộc đời chóng vánh
Khi cuốn sách 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh đến tay bạn đọc, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay xấu số MH370 của hãng Malaysia Airlines, cuộc tìm kiếm tốn kém nhất và mịt mờ nhất trong lịch sử ngành hàng không, vẫn đang hằng ngày diễn ra trong vô vọng. Công việc làm báo cũng đã buộc tôi theo dõi chặt chẽ từng diễn biến của cuộc kiếm tìm này. Cứ mỗi ngày trôi qua không có kết quả, chúng tôi chỉ biết tự nhủ rằng: thôi thì lại ngày mai và chợt nhói lòng khi nhận ra: cái “ngày mai” của chúng tôi - những kẻ ngoài cuộc - nói ra sao nhẹ như không.
Trong cuốn sách của mình, tác giả Annette Herfkens có lẽ không có mục đích nào khác ngoài việc kể lại câu chuyện sinh tồn sau biến cố đó và những năm tiếp theo của cuộc đời mình. Biến cố chưa bao giờ buông tha bất kỳ một kiếp người nào và Herfkens chắc chắn không ngoại lệ. Tuy vậy, con người cũng chưa bao giờ đầu hàng nghịch cảnh - cho dù có nghiệt ngã đến đâu - nếu niềm tin vào một ngày mai nhất định sẽ tươi đẹp hơn vẫn còn đó.
Herfkens đã làm được. Với niềm tin vào cuộc sống và nghị lực của bà, chúng ta hãy cùng hy vọng thân nhân của tất cả các chuyến bay gặp nạn trong một năm quá nhiều biến cố của ngành hàng không cũng sẽ làm được. Và chúng ta, những kẻ ngoài cuộc, không cần đến những biến cố kinh hoàng như bà Herfkens hay những thân nhân đó để mới có thể thấu hiểu và thương yêu những người thân của mình hơn. Tình thương và sự tin yêu không cần biến cố hay tai nạn nào để hiện hình - chúng luôn ở đó, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống này. Cuộc đời dẫu luôn biết là dài lắm, nhưng cũng sẽ rất chóng vánh mà thôi.
                                                                                                                                                 

Thấu cảm nhau để cuộc đời tươi đẹp hơn
Tác giả cuốn sách này, bà Annette Herfkens, đã nói với người dịch như thế về cách vượt qua nỗi đau mất mát.
Thật trùng hợp khi cuốn sách của bà ra đời chỉ chưa đầy 2 tuần trước tai nạn máy bay MH370. Nếu có cơ hội gặp người thân của các nạn nhân MH370, bà sẽ nói gì với họ?
Tôi sẽ khuyên họ hãy đón nhận nỗi đau mất mát và ở yên với nó. Đừng để tâm trí bị dày vò bởi những câu hỏi như: “Có khả năng khác xảy ra không? Nếu vậy thì sao? Giá mà”. Hãy đón nhận thực tại và ở trong đó. Hãy chấp nhận sự thật là họ đã phải mất người thân. Hãy để nỗi đau gắn kết mọi người với nhau. Mở lòng ra, đừng khép kín với nhau.
Tâm trạng bà như thế nào khi sắp trở lại VN lần nữa, với tư cách là tác giả của cuốn sách?
Rất hào hứng và hạnh phúc. Sau hơn 20 năm, tôi ngày càng nhận rõ mối kết nối của mình với VN, với vẻ đẹp và những con người kiên cường nơi đây. Tôi cũng hy vọng sẽ có cơ hội gặp lại người thân của các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay của mình.
Đã hơn 20 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, điều gì bà luôn ấp ủ và muốn chia sẻ với mọi người?
Tôi thực sự tin là mỗi chúng ta đều có thể làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, nếu ai cũng luôn cố gắng thấu cảm người khác bằng cách luôn đặt mình vào trong hoàn cảnh của họ, thật tự nhiên và không e dè.

                                                                                                                               An Điền (thực hiện)




192 HOURS GIÀNH GIẬT SỰ SỐNG TỪ CHUYẾN BAY ĐỊNH MỆNH
Tác giả: Annette Herfkens
Dịch giả: An Điền
Nhà xuất bản: NXB Tổng Hợp TPHCM
Giá bìa: 78,000đ
Số trang: 286
Kích thước: 14.5 x 20.5 cm
Thêm Wish List Mua sách
Giới thiệu sáchKý ức kinh hoàng của hành khách sống sót cuối cùng trên chuyến bay Yak 40 cách đây 22 năm tại Việt Nam:“192 Hours” – Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh
“192 Hours” - nguyên tác: “Turbulence: Asurviving Story” của tác giảAnnette Herfkens là cuốn tự truyện vừa được First News hoàn tất bản quyền và phát hành trên toàn quốc. Trước khi ra mắt bạn đọc Việt Nam, 192 Hours đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Mỹ và những người quan tâm trong lần ra mắt hồi tháng 1-2014. Câu chuyện rất thật về sự sống sót kỳ diệu của Annette Herfkens sau tai nạn máy bay thảm khốc vào năm 1992 tại núi Ô Kha, thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa chính là chìa khóa làm nên sức hút của cuốn tự truyện này.
NGÀY ĐỊNH MỆNH VÀ 192 GIỜ TẠI NÚI Ô KHA
Cách đây 22 năm, Annette Herfkens là cô gái Hà Lan xinh đẹp và giỏi giang, chưa đầy 30 tuổi Annette đã gần như đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp và cuộc sống: một công việc uy tín trong một ngân hàng hàng đầu thế giới mang lại cho cô thu nhập rất cao; đam mê công việc giao dịch quốc tế và thưởng thức cuộc sống ở nhiều châu lục; có một tình yêu gần chục năm và cũng là mối tình đầu tiên. Annette khiến không ít người, trong đó có cả phái mạnh phải ghen tỵ lẫn ngưỡng mộ. Nhưng rồi tai nạn ập đến - bất ngờ như một định mệnh, mọi thứ bị đảo lộn tất cả, và Annette phải đấu tranh giành giật giữa sự sống và cái chết.
Đó là vào ngày 14 tháng 11 năm 1992, Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem van der Pas (tên thường gọi là Pasje) cùng 31 hành khách rời TP.Hồ Chí Minh để tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Chuyến đi mang ý nghĩa quan trọng với Annette bởi rất lâu rồi cô và Pasje chưa gặp nhau. Hơn nữa, chuyến đi này còn mang ý nghĩa giống như là kỳ trăng mật của hai người. Nhưng điều xui rủi bất thình lình xảy đến - chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha cách đích đến Nha Trang 19 dặm, và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm.
Khi lên máy bay, Annette được sắp xếp ngồi ở ngay lối đi hàng thứ 3, ngay trước cánh máy bay - được coi là một trong những nơi kém an toàn nhất trong khoang hành khách. Tuy nhiên, chính chỗ ngồi “kém an toàn” đó lại giúp cô thoát chết. Trong khi các hành khách và phi hành đoàn, có người vẫn còn sống khi máy bay rơi, nhưng sau đó đều không qua khỏi do chấn thương. Pasje cũng qua đời trong tai nạn ngày hôm đó. May mắn hơn các hành khách khác, Annette thoát chết nhưng lại mang thương tích đầy mình: “Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất phải nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt”.
Trong cuốn tự truyện của mình, Annette đã mô tả lại một cách chân thực cách thức để tồn tại trong tám ngày cô độc giữa thung lũng Ô Kha - vốn được mệnh danh là “thung lũng tử thần” từ trước năm 1975 bởi nhiều máy bay đã từng rơi ở khu vực này. Trong tám ngày đó, Annette đã phải lấy những miếng xốp từ thân máy bay để tích nước làm nguồn “thức ăn” sống qua ngày cho đến khi đoàn cứu hộ xuất hiện và đưa cô tới bệnh viện cấp cứu.
Thương tích đầy mình, lại chỉ có nước mưa nhưng Annette vẫn có thể tồn tại suốt 8 ngày. Điều gì tạo nên sức mạnh diệu kỳ này? Vượt lên trên nỗi đau thể xác và tinh thần, Annette đã hòa nhập với mọi thứ xung quanh. Với vẻ đẹp. Với người chết. Với quá trình phân hủy, chết, rồi tái sinh. Và khi đã vượt qua nỗi đau của mình, với Annette lúc này không khác gì “đang nằm trên chiếc giường tình yêu”.
Annette cho biết: “Tại sao tôi không nghĩ về lũ giòi lúc nhúc? Về mùi xác người? Bởi vì đối với tôi, chúng chỉ là thứ yếu sau vẻ đẹp, cõi yên bình và sự an toàn của khu rừng. Cả ngay lúc còn ở khu rừng lẫn sau này, tôi nhiều lần đều chọn cách không cố tình lơ đi hay đè nén những điều xấu; thay vào đó, tôi chủ động hướng bản thân mình biết nhìn vào những gì. Tôi chủ động chọn những gì cần nhấn vào và những gì cần tránh day đi day lại”.
Có thể nói, 192 Hours là cuốn tự truyện về sự dũng cảm và tình yêu. Độc giả sẽ tìm thấy ở đây những trải nghiệm cá nhân và cách mà Annette dùng trực giác, sự tập trung và hiểu biết để chỉ dẫn bản thân, vượt lên những cơn đau, sự mất mát để giành lại sự sống của mình. Cho dẫu chỉ đơn độc một mình giữa rừng không mông quạnh nhưng Annette không vì thế mà bi quan; trái lại, cô nhìn vào mặt tốt đẹp của cuộc sống chứ không phải những điều mất mát, để sống mạnh mẽ với trái tim rộng mở và tình yêu vô điều kiện. Chính vì lẽ đó, cuốn sách của Annette chắc chắn sẽ mang lại cảm hứng cho nhiều người trên thế giới về sự sống màu nhiệm và tinh thần sống bất diệt, đặc biệt là cho những người phụ nữ.
TRỞ LẠI VIỆT NAM
Không đơn thuần chỉ là kể lại tai nạn đã xảy ra với mình như thế nào và cách mình tồn tại ra sao trong 8 ngày thương tích giữa thung lũng Ô Kha, biên độ của cuốn tự truyện 192 Hours cũng như cuộc đời của Annette còn được mở rộng ra ngay sau khi cô được cứu sống, được đoàn tụ với gia đình cũng như trở lại với công việc.
Câu nói: “Sống là chiến đấu” dường như rất đúng với trường hợp của Annette. Bên cạnh cuộc chiến đấu sống còn tại thung lũng Ô Kha, Annette còn phải chiến đấu với những thương tổn, mất mát từ chuyến bay định mệnh; cô cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn để tạo dựng lại sự nghiệp rồi lập gia đình, có con với một đồng nghiệp cũ; sau này lại phải chiến đấu với căn bệnh tự kỷ của cậu con trai Maxi. Đặc biệt nhất, ám ảnh từ quá khứ chưa khi nào ngủ yên mà vẫn luôn trở đi trở lại trong tâm thức của Annette, thôi thúc cô đi tìm câu trả lời cho mình. Và đó chính là nguyên cớ để Annette quyết định trở lại Việt Nam, trở lại thung lũng Ô Kha - nơi xảy ra tai nạn vào năm 2006. Cô chia sẻ: “13 năm đã trôi qua, giờ tôi cảm thấy mình cần trở lại nơi đó”.
Hành trình trở lại Việt Nam của Annette cũng chính là hành trình nhìn lại, soi rọi trong chính bản thân mình. Đó cũng là hành trình để cô hóa giải cho những vướng mắc bao lâu nay về quá khứ.
Vượt qua hành trình dài và không kém phần gian nan, cuối cùng Annette cũng có mặt tại núi Ô Kha nơi cô từng “vất vưởng suốt tám ngày”. Một cảm giác thất vọng não nề choán ngợp tâm trí Annette khi cô vừa đặt chân tới đây. “Nó hoàn toàn bị giới hạn, không có bất cứ góc nhìn mở nào. Nơi mà tôi từng không biết phải làm gì ngoài chuyện ngắm núi, mặt trời, mặt trăng đã không còn nữa. Chắc lúc rơi máy bay đã phạt ngang mấy thân cây nên mới mở ra góc nhìn tôi đã thấy. Còn bây giờ cây cối đã mọc lại. Xung quanh vẫn còn vết tích của những mảnh vụn rải rác. Không phải kim loại, mà là những mẩu còn sót lại của cái thảm xanh xanh, nhựa, vải bọc ghế, bảng hiệu “thoát hiểm” bằng tiếng Nga, và cả một mảnh áo khoác jeans vắt vẻo trên cành cây”.
Nhưng điều bất ngờ nhất trong chuyến đi này chính là Annette đã gặp lại người đàn ông mặc đồ màu da cam - người đã bỏ đi để mặc tiếng van nài yếu ớt của cô trong ngày thứ bảy tại núi Ô Kha. Người đàn ông đó chỉ nhìn cô chằm chằm rồi biến mất, đột ngột như lúc xuất hiện. Người đàn ông đó đã đến và lấy đi niềm hy vọng được cứu sống của Annette. Bởi vậy mà ngay sau sự biến mất của người đàn ông, Annette không khỏi hoang mang: “Người đàn ông đó có phải là bóng ma thật không? Hay do tôi tự tưởng tượng ra? Nhưng nếu vậy thì tại sao tôi phải tưởng tượng như vậy? Tôi đang có một cõi của riêng mình và hoàn toàn chú tâm vào thế giới đó trước khi ông ta xuất hiện kia mà. Tôi còn quá hạnh phúc trong thế giới đó nữa là đằng khác. Bây giờ đây, tôi lại trôi dần về một thế giới khác”.
Người đàn ông mặc áo màu da cam năm nào chính là một trong những thành viên trong đoàn hộ tống Annette lên núi. 13 năm trôi qua, nhân dạng của mỗi người ít nhiều đã có sự thay đổi nhưng Annette đã không khó khăn để nhận ra người đàn ông đó. “Cái tướng ngồi chồm hổm y hệt, dù không mặc đồ màu da cam mà là áo sơmi trắng nhàu nhĩ. Cái áo trắng làm cho khuôn mặt anh ta sạm hơn, nhưng chính là gương mặt đó! Gương mặt đẹp đẽ mà tôi đã nghĩ là sản phẩm của trí tưởng tượng trong suốt từng đó năm”.
Chính từ chuyến đi này, Annette mới vỡ lẽ: “Người đàn ông đẹp trai, tốt bụng đã cứu mạng tôi”. Sở dĩ người đàn ông mặc áo màu da cam đã không có một động thái nào trước sự van nài khẩn thiết của Annette, bởi vì khi nhìn thấy cô lần đầu, người đàn ông ấy đã tưởng cô là ma! “Anh ấy chưa từng thấy một người da trắng mắt xanh nào trước đây cả. Anh ấy ngồi chờ “con ma” biến đi, trước khi gọi bạn bè đến dọn dẹp đống đổ nát đó”.

Đến đây thì những vướng mắc trong lòng Annette đã được hóa giải. Kể cả tình cảm của cô dành cho Việt Nam cũng đã có sự thay đổi rõ rệt. Đọc những phần đầu tự truyện 192 Hours, người đọc không khó để nhận ra sự thất vọng, tình cảm lạnh lùng của Annette khi nói về Việt Nam. Không chỉ Annette, sau vụ rơi máy bay, gia đình các nạn nhân và các đại sứ quán đều rất thất vọng trước sự thiếu cam kết và thiếu hiệu quả trong công tác cứu hộ của chính phủ Việt Nam.
Chỉ đến sau này, khi nỗi đau dần nguôi ngoai, cũng như khi đã hiểu rõ tường tận vì sao người đàn ông mặc áo màu da cam lại quay lưng với mình, thì trái tim của Annette mới bắt đầu ngân lên những nhịp rung ấm áp. Bởi vì lúc này, cô hiểu hơn ai hết thực trạng của Việt Nam cách đây 13 năm. “Cũng dễ thông cảm là hồi năm 1992, Việt Nam vẫn đang trong tiến trình đổi mới để trở thành thành viên của cộng đồng toàn cầu, lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn hiện diện. Việc phải xử lý sự cố liên quan đến người nước ngoài rõ ràng là một thử thách, thêm vào đó, việc giao tiếp với người nước ngoài lại không phải là thế mạnh của họ”.
Annette đã thực sự yêu Việt Nam và dành những tình cảm nồng nhiệt cho nơi đây. Cô chia sẻ với dịch giả sau khi được hỏi về chuyến trở lại Việt Nam sắp tới: “Rất hào hứng và hạnh phúc. Sau hơn 20 năm, tôi ngày càng nhận rõ mối kết nối của mình với Việt Nam, với vẻ đẹp và những con người kiên cường nơi đây”.
Không chỉ hấp dẫn bởi một câu chuyện về sự sống sót kỳ diệu sau một tai nạn máy bay thảm khốc, sức hấp dẫn của cuốn tự truyện192 Hourscòn đến từ lối hành văn mượt mà, giàu tính văn chương. Bên cạnh đó, việc đan xen giữa quá khứ và hiện tại; giữa những điểm nhìn của người thân, bạn bè về Annette cũng là một điểm đặc biệt, làm cho 192 Hourskhác với những cuốn sách thuộc thể loại tự truyện khác.
Sách được phát hành tại nhà sách Trí Việt - 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM và các nhà sách khác trên toàn quốc.
NHỮNG BÌNH LUẬN DÀNH CHO 192 HOURS:
“Trong 192 Hours, Annette Herfkens đã đưa những hiểu biết sâu sắc về tinh thần và bài học vào thực tế. Bà mô tả sự chuyển biến bằng nỗ lực và tâm trí một cách ngắn gọn và hấp dẫn”.
- Deepak Chopra, tác giả của Tạo lập sự giàu có, 7 quy luật của thành công.
“192 Hours là một cuốn tự truyện tuyệt đẹp của lòng dũng cảm và tình yêu... Chuyện lồng trong chuyện. Annette Herfkens đã khéo léo diễn tả những trải nghiệm của mình khi là người sống sót duy nhất của một vụ tai nạn máy bay tại Việt Nam, chịu đựng sự mất mát của chồng chưa cưới, cho đến đỉnh cao của một sự nghiệp hấp dẫn trong kinh doanh quốc tế. Viết với sự trung thực và hài hước, trong nhiều thách thức cô phải đối mặt khi là một người vợ, người mẹ và là một người phụ nữ bản lĩnh trong lĩnh vực kinh doanh. Tinh thần bất khuất của cô truyền cảm hứng cho chúng ta”.
- Mary Sue Rosen, tác giả của Africa Written Down.
CÔNG TY VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT – FIRST NEWS






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

bạn xem bài đăng có quyền nhận xét theo suy nghĩ của bạn .( lê Mạnh )