Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Thừa Thiên Huế: Buồn cho “Thương hiệu” một danh hiệu “Anh hùng”…

03/06/2014
Người dân tỉnh Thừa Thiên Huế mấy tháng nay, dẫu ngồi trong quán cà-phê hay ngồi trong những đám kị giỗ, cưới xin, nơi nào túm tụm năm ba người đều xôn xao câu chuyện ông Hồ Xuân Mãn cố ý khai gian thành tích để được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân. Mọi người nhận xét: “Hư hỏng quá, tham lam đến thế là cùng. Dây thần kinh xấu hổ của ông ta bị liệt từ bao giờ không biết?”.
Ông Hồ Xuân Mãn là Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kì. Nghe dư luận nói rằng vì quá tham lam quyền chức nên âm thầm làm báo cáo thành tích và các thủ tục xin phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân để “leo” cao hơn. Sau khi ông Hồ Xuân Mãn nhận danh hiệu “Anh hùng”, đông đảo cựu chiến binh Thừa Thiên Huế yêu cầu công bố thành tích thật của ông để nhân dân học tập. Song bản thành tích bị giấu kín, đến nỗi CLB hưu trí Phú Xuân mấy lần đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho xem bản thành tích của ông Hồ Xuân Mãn, nhưng không được đáp ứng. Dò dẫm thông tin mới biết, ông Mãn làm xong bản thành tích, chỉ đưa tới huyện yêu cầu xác minh, người kí xác minh cũng không được đọc giấy xác minh, không có bản lưu.


Tháng 8/2010, ông Hồ Xuân Mãn được nhận danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.

Ông Hồ Xuân Mãn nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào tháng 8/2010, vậy mà mãi tới cuối năm 2013 các cựu chiến binh huyện Phong Điền, những người hoạt động cùng thời với ông Hồ Xuân Mãn mới bí mật lấy được bản khai thành tích của ông ta. Trong 17 mục công trạng ông Mãn khai, thì 8 thành tích hoàn toàn cướp công của đồng đội, 7 thành tích khai khống. Chỉ có 2 thành tích ông có tham gia chiến đấu, song ở một trận tiêu diệt được ác ôn Hoàng Sớm, thì làm chết 9 người dân trong đó 2 cháu nhỏ. Trận ấy, huyện Phong Điền đánh giá là một trận thất bại. Chẻ hoe 17 thành tích như thế, ông Mãn không thể trở thành anh hùng, mà thực chất còn mang tội lớn, đó là tham nhũng máu xương của đồng chí đồng đội. Khi hồ sơ khai man của ông Hồ Xuân Mãn bị vỡ lở, cũng là lúc ông ta chuẩn bị xong một khuôn viên đất rất đẹp bên đầu cầu An Lỗ sát Quốc lộ 1 để xây dựng tượng đài của mình và có ý đồ đặt tên đường phố mang tên mình. Không để ông Hồ Xuân Mãn lợi dụng máu xương của đồng đội ngay chính trên quê hương, đúng ngày 27/7/2013 gần 200 cựu chiến binh ra Nghĩa trang huyện Phong Điền thắp hương cho từng ngôi mộ, đứng trước tháp Tổ quốc ghi công, anh em hứa với các anh hùng liệt sĩ: “Chúng tôi không để Hồ Xuân Mãn chà đạp lên máu xương đồng đội, đồng chí, mong các anh trợ giúp để chúng tôi làm trọn ước nguyện này”. Ở nghĩa trang ra về, anh em cựu chiến binh huyện Phong Điền gửi kiến nghị lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thấy kiến nghị của anh em có lí, lại đúng trong thời điểm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) ra đời với nội dung chống tham ô, tham nhũng, chống thoái hóa, biến chất trong “một bộ phận không nhỏ” 3 lần đoàn kiểm tra Trung ương về Huế, rồi về huyện Phong Điền gặp những nhân chứng, những CCB kí trong đơn đề nghị xem xét lại danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của ông Hồ Xuân Mãn.
Kiến nghị của anh em cựu chiến binh nêu: “Vì sự trong sáng của Đảng, chúng tôi không thể để Hồ Xuân Mãn dối dân, lừa Đảng. Vì danh giá, phẩm chất của người Anh hùng LLVT nhân dân, chúng tôi không thể để Hồ Xuân Mãn làm ô danh những người anh hùng. Vì máu xương biết bao đồng đội đã ngã xuống, chúng tôi yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ lòng tham lam xấu xa của Hồ Xuân Mãn”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra kĩ. Ngày 18/12/2013, Ban Bí thư ra Quyết định số 6963 bác bỏ danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của ông Hồ Xuân Mãn và thu hồi những hiện vật trao cho ông ta khi nhận danh hiệu cao quý đó. Ngày 21/1/2014, đồng chí Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương về làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thông báo truất danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của ông Hồ Xuân Mãn. Sau đó, Đoàn kiểm tra làm việc với Hội Cựu chiến binh huyện Phong Điền báo cho anh em biết và cho xem bản quyết định của Ban Bí thư, hứa sau Tết (tức mùa Xuân 2014) sẽ về Thừa Thiên Huế công bố quyết định này. Vậy mà đến nay, nhân dân Thừa Thiên Huế đang nóng lòng chờ đợi quyết định của Nhà nước thu hồi danh hiệu anh hùng cũng như những hiện vật tiền thưởng, tiền phụ cấp, ông Hồ Xuân Mãn được nhận từ khi Nhà nước phong tặng danh hiệu…? Có thể “vị anh hùng” này đang có bệnh nặng chăng? Thực tế, ông Hồ Xuân Mãn sức khỏe bình thường. Ông vẫn tổ chức lên rừng đi săn với bạn bè bằng xe ô-tô mui trần rồi về nhậu nhẹt với nhau; ông vẫn dự những đám cưới của con cái bạn bè, có khi còn lên hát vài ba bài liền. Vậy thì đâu phải ông Mãn bệnh tật. Đừng quên lời ngạo mạn của con người này với đồng đội xưa: “Mười năm nữa tau trả thù cũng chưa muộn. Bọn bay cứ liệu hồn”. Lời đe dọa này còn lưu trong máy điện thoại di động của một cựu chiến binh: “Tau sẽ giết mi”.
Còn một vấn đề nữa, nhân dân thắc mắc, đó là: Ông Hồ Xuân Mãn có chưa bao giờ được kết nạp vào Đảng, đề nghị Ủy ban Kiểm tra các cấp làm rõ.
Việc ông Hồ Xuân Mãn khai khống hồ sơ để được phong Anh hùng LLVT nhân dân đã rõ. Nhân dân Thừa Thiên Huế rất nóng lòng chờ đợi quyết định truất danh hiệu Anh hùng của ông Hồ Xuân Mãn, truy thu các chế độ mà ông đã hưởng vô lí để ổn định tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc Hồ Xuân Mãn vẫn ngang nhiên đi nhận tiền phụ cấp anh hùng và kéo nhau lên rừng săn bắn, nhậu nhẹt như thách thức đồng đội khiến những người có lương tri không thể chịu được.

nguồn :báo người cao tuổi

Nhà văn Nguyễn Quang Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

bạn xem bài đăng có quyền nhận xét theo suy nghĩ của bạn .( lê Mạnh )